Địa ốc 7 ngày: Cấm cửa doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động tại chung cư

Địa ốc 7 ngày: Cấm cửa doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động tại chung cư

(ĐTCK) Hà Nội cấm doanh nghiệp đặt trụ sở, văn phòng tại chung cư; Công ty Long Kim Phát quyết khởi kiện nhà môi giới; cảnh báo đằng sau cam kết lợi nhuận khủng từ Condotel..., là các thông tin địa ốc đáng chú ý tuần qua.

1. Hà Nội cấm doanh nghiệp đặt trụ sở, văn phòng tại chung cư

Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TP.Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp... trên địa bàn không thực hiện việc đăng ký đặt trụ sở, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại các căn hộ trong nhà chung cư.

Với các trường hợp đã đặt trụ sở phải thực hiện đăng ký thay đổi sang địa điểm khác không phải là căn hộ trong nhà chung cư theo thủ tục quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp theo thẩm quyền.

Địa ốc 7 ngày: Cấm cửa doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động tại chung cư ảnh 1 

Thực tế, việc mở văn phòng, cửa hàng, quán ăn trong chung cư là một trong các nguyên nhân khiến nhiều chung cư hiện nay rơi vào tình trạng quá tải.

Việc không có không gian sinh hoạt chung, thiếu chỗ để xe, chợ cóc, hàng quán mọc la liệt, giao thông ùn ứ, tê liệt...dần trở thành nỗi ám ảnh của cư dân các khu đô thị, chung cư cao tầng…

Theo Sở KH-ĐT Hà Nội, yêu cầu trên nhằm thực hiện một trong các hành vi bị cấm được quy định tại khoản 11, Điều 6 luật nhà ở năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015) là: Cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Điều 80 Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở cũng quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong vòng sáu tháng, kể từ ngày 10-12-2015 (ngày có hiệu lực của nghị định này)

Trả lời Báo chí, một lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Cho dù doanh nghiệp “sốc” thì các cơ quan chức năng vẫn phải tiến hành. Không chỉ vì nhu cầu một vài doanh nghiệp mà bỏ qua việc đảm bảo tính mạng và an toàn cho cả cộng đồng cư dân trong tòa nhà”.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để quản lý nếu chỉ quy định hành vi bị cấm mà không có quy định về việc xử phạt thì chẳng khác gì “cấm trên giấy”, khó buộc người vi phạm tự nguyện thực thi...

2.  Cảnh báo đằng sau cam kết lợi nhuận khủng từ Condotel

Địa ốc 7 ngày: Cấm cửa doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động tại chung cư ảnh 2

Là những dự án căn hộ được thiết kế và vận hành như khách sạn, condotel là loại sản phẩm vừa túi tiền, mang lại giá trị kép cho nhà đầu tư vừa để nghỉ dưỡng, vừa cho thuê lại nên sẽ mang lại khả năng sinh lời hiệu quả.

Ngoài ra vẫn đảm bảo khả năng về thanh khoản, cũng như giá trị bất động sản khi đây là loại hình sản phẩm tăng theo thời gian sử dụng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo, vừa cân nhắc lợi nhuận chủ đầu tư cam kết, nhưng cũng phải tính đến đường dài, bởi khả năng sinh lời cũng như gia tăng giá trị bất động sản của condotel phụ thuộc vào khả năng vận hành của chủ đầu tư và công ty quản lý.

Hiện rất nhiều condotel cam kết lợi tức trên dưới 10%/năm, tức là gần gấp đôi lãi suất gửi tiết kiệm, và cao hơn cổ tức rất nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt hiện nay.

Lợi nhuận khủng như vậy cần đặt câu hỏi là lấy từ đâu ra?

3.  Chủ đầu tư Gold Hill (Đồng Nai) quyết khởi kiện nhà môi giới

Liên quan đến vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và môi giới tại Đồng Nai, Công ty Long Kim Phát vừa tổ chức buổi làm việc 3 bên giữa chủ đầu tư - khách hàng và đơn vị tư vấn - môi giới là Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát.

Tại đây, đại diện Long Kim Phát khẳng định sẽ khởi kiện công ty môi giới Kim Phát ra toà trong thời gian tới để đòi lại quyền lợi cho khách hàng và uy tín chủ đầu tư.

Địa ốc 7 ngày: Cấm cửa doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động tại chung cư ảnh 4

Được biết, vào giờ chót, Địa ốc Kim Phát bất ngờ thông báo không tham dự buổi làm việc này.

Trước đó, Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Long Kim Phát, chủ đầu tư Dự án Gold Hill (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và nhiều khách hàng của dự án này đã có đơn gửi Báo Đầu tư Bất động sản tố Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát, đơn vị môi giới dự án này.

Theo nội dung phản ảnh trong đơn, Công ty Long Kim Phát và các khách hàng cho rằng, Công ty Kim Phát đã dùng nhiều thủ đoạn, tự ý đưa mức giá nền đất cao hơn rất nhiều so với giá chủ đầu tư công bố, cung cấp thông tin sai lệch, yêu cầu ký hợp đồng tư vấn với mức phí cao bất thường, trực tiếp thu tiền thanh toán…

Theo ông Trần Công Luận, Tổng giám đốc Long Kim Phát, sau khi sự việc xảy ra, phía Long Kim Phát đã nhiều lần mời Kim Phát đến làm việc, yêu cầu hoàn trả lại số tiền đã thu bất hợp pháp của khách hàng.

Tuy nhiên, cho đến nay, Kim Phát vẫn tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí còn có nhiều hành vi đe dọa, bôi nhọ chủ đầu tư.

Ông Luận cũng cho biết, hiện nay, Long Kim Phát đang giữ của Kim Phát số tiền khoảng 3,6 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm tiền đặt cọc (khi ký hợp đồng tư vấn – môi giới, mỗi nền đất Kim Phát phải đặt cọc cho Long Kim Phát 10 triệu đồng) và tiền phí môi giới các nền đất đã bán.

Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ khởi kiện công ty Kim Phát và yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, các khách hàng cũng đề nghị công ty Long Kim Phát không tiếp tục thanh toán phí môi giới và không hoàn tiền cọc cho công ty Kim Phát, nhằm đảm bảo cho việc yêu cầu thi hành án sau này.

Chuyển động địa ốc 

Tin bài liên quan