Theo Bộ Công thương, sau khi đã tính toán kỹ để bảo đảm an ninh lương thực, có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5/2020.
Theo đó, lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5/2019. Trong đó, trong tháng 4, chỉ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn.
Các tờ khai hải quan thực hiện trước 0h ngày 24/3/2020 (trước khi tạm ngưng xuất khẩu gạo) vẫn được thực hiện.
Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5/2020.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, Việt Nam sản xuất được từ 40 - 43,5 triệu tấn lúa (khoảng 27,2 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước là 29,96 triệu tấn lúa (tương đương gần 19 triệu tấn gạo).
Trong đó bao gồm, tiêu thụ của người dân tương đương khoảng 9 triệu tấn gạo; phục vụ chế biến khoảng 4,6 triệu tấn gạo; phục vụ chăn nuôi khoảng hơn 2 triệu tấn gạo; dùng làm giống khoảng 1 triệu tấn lúa và còn lại là dùng dự trữ trong nước.
Như vậy, sau khi trừ đi phần nhu cầu tiêu dùng trong nước tương đương gần 19 triệu tấn gạo, thì phần còn dư có thể phục vụ cho xuất khẩu tương đương hơn 8 triệu tấn gạo. Trong khi đó, dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo cả năm 2020 của Việt Nam sẽ đạt 6,5 - 6,7 triệu tấn, vẫn thấp hơn con số hơn 8 triệu tấn gạo có thể phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.
Việc xuất khẩu gạo tăng nhưng hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát và vẫn đảm bảo cân đối đủ, thậm chí còn thừa nhu cầu trong nước vì dự tính sản lượng vụ Đông Xuân trên cả nước đạt khoảng 20 - 22 triệu tấn lúa.
Báo cáo với các bộ, ngành liên quan trong buổi làm việc về tình hình xuất khẩu lúa gạo tuần trước tại TP.HCM ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc điều hành phụ trách mảng gạo Tân Long cho biết, kết quả phân tích nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này qua gần 7.000 điểm bán, ban lãnh đạo Tân Long nhận thấy, mỗi đơn hàng trung bình của người tiêu dùng phía Bắc từ 20 - 30 kg, và gần một tháng sau mới quay lại tiếp tục đặt hàng. Còn tại TP.HCM, bình quân mỗi hộ chỉ mua từ 10 - 15 kg.
Theo đại diện Tân Long, dù dịch bệnh nhưng thị trường không có dấu hiệu đầu cơ, chỉ là người dân mua ít về dự trữ cho yên tâm. Thị trường bán lẻ gạo có ghi nhận hiện tượng thiếu hàng cục bộ do nhà phân phối đưa hàng về kho không kịp và bị tắc ở khâu logistics.
Tính từ đầu năm đến 25/3, Tân Long đã sản xuất 40.000 tấn gạo cho thị trường nội địa, bán lẻ theo dạng đóng túi từ 5 - 20 kg.
Còn thị trường xuất khẩu, Tân Long có 4.570 tấn gạo còn nằm tại cảng, chờ thông quan và lượng đã chuẩn bị xuất nhưng phải dừng là 4.665 tấn. Nghĩa là Tân Long phải giao 9.405 tấn gạo trong tháng 3/2020. Số lượng gạo các loại theo hợp đồng Tân Long đã ký với đối tác nhập khẩu từ nay đến 30/9 là 110.000 tấn và dự kiến dành cho tiêu thụ nội địa khoảng 800.000 tấn.
Tronng khi đó, theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, 90% lượng gạo xuất sang Trung Quốc là gạo nếp. Trong khi thị trường nội địa tiêu thụ không nhiều gạo nếp, thì việc xuất khẩu được là việc đáng mừng.
Ngoài ra, nếu so với cùng kỳ 2019, lượng gạo xuất sang Trung Quốc trong giai đoạn này tăng 594,5% về lượng và 723,6% về giá trị so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dù nhập khoảng 66.000 tấn trong 2 tháng đầu năm, nhưng bình quân các năm trước, Việt Nam có thể xuất sang thị trường này từ 2 - 3 triệu tấn. Nếu chỉ nhìn con số tăng 594% và 723,6% vừa nói trên thì quả là ấn tượng, nhưng cần đặt với đối tượng so sánh phù hợp.