Tương lai của ngành xuất bản Việt Nam
Tổng doanh thu của Top 6 thị trường xuất bản điện tử lớn nhất thế giới (Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức) lên đến hơn 10,5 tỷ USD/năm, nhưng tại Việt Nam, doanh thu xuất bản điện tử chỉ ước đạt khoảng hơn 100 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), kết thúc năm 2019, ngành xuất bản Việt Nam đã xuất bản 33.000 cuốn sách với 400 triệu bản, đạt doanh thu 2.600 tỷ đồng, trong đó, xuất bản phẩm điện tử đạt trên 2.400 cuốn với 1,5 triệu lượt truy cập, tăng 25 lần về số cuốn, 5 lần về lượt truy cập so với năm 2018.
Con số tuy chưa lớn, nhưng đây vẫn là tín hiệu vui sau một thời gian xuất bản điện tử chững lại. Theo ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty Waka, hiện sách điện tử (ebook) mới chỉ chiếm khoảng 4% doanh thu của ngành xuất bản (năm 2015 chỉ đạt 2%). Song, tỷ trọng của cả ngành ebook so với sách in sẽ tăng lên khoảng 15-20% trong 3 năm tới vì ebook ở Việt Nam đã bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sách Thái Hà cũng nhận xét, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những thay đổi ngày càng nhanh trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, khách hàng và mô hình kinh doanh. Trong hoạt động xuất bản sẽ xuất hiện những mô hình mới mà trọng tâm không chỉ là bản thân sản phẩm, mà còn là các quy trình định hướng khách hàng.
Theo ông Hùng, hiện nay, sau sự thoái trào của các thiết bị đọc sách độc lập tồn tại, một dòng sách điện tử mới được tích hợp trên nhiều hệ điều hành Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS… ngày càng chiếm ưu thế. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, độc giả đã có thể có những trải nghiệm như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang. Hình ảnh, audio, video được tích hợp vào ebook trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sống động.
“Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, các nhà xuất bản lớn trên thế giới đều đẩy mạnh xuất bản điện tử, đặc biệt là xuất bản và phát hành trực tuyến trên mạng Internet. Đi đầu vẫn là các tập đoàn công nghệ thông tin với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Google, Yahoo, Facebook,... kết hợp với các nhà sản xuất như Apple, SamSung, Nokia, Sony... tích hợp sẵn sản phẩm sách điện tử trên điện thoại di động hoặc cho phép tải sách điện tử qua Appstore, Google play... nhằm gia tăng giá trị ứng dụng của các sản phẩm công nghệ thông tin”, ông Hùng nói.
Còn nhiều khó khăn
Tiềm năng của thị trường sách điện tử là rất lớn, nhưng những rào cản lại không hề nhỏ. Nhiều nhà xuất bản than phiền có quá nhiều rào cản hạn chế sự phát triển của xuất bản điện tử như quy định về giấy phép xuất bản điện tử, hay thời gian để xuất bản một ấn phẩm điện tử phải mất từ 1-3 tháng với nhiều trình tự thủ tục…
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và và Phát hành cho biết, xuất bản điện tử là vấn đề mà Nhà nước, doanh nghiệp sẽ tập trung trong thời gian tới. Phải tạo sân chơi, tạo điều kiện để các nhà xuất bản tham gia. Hiện nay, với sự phát triển của các công cụ như smartphone, máy tính bảng, rất thuận lợi cho xuất bản điện tử.
Phân tích về những rào cản của xuất bản điện tử, ông Đinh Quang Hoàng cho biết: “Rào cản thứ nhất là về hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Riêng việc nộp lưu chiểu bản cứng xin cấp phép ebook, chúng tôi chưa biết phải xử lý thế nào, các đơn vị cấp phép cũng lúng túng. Rào cản thứ hai là tâm lý của các đơn vị xuất bản, phát hành. Đa số các nhà xuất bản, phát hành không mặn mà làm ebook vì đầu tư lớn, hành lang pháp lý chưa rõ, công sức bỏ ra nhiều nhưng doanh thu chưa cao. Rào cản thứ ba là về phương thức thanh toán. Với nhu cầu đọc của người dùng lứa tuổi học sinh chưa đến tuổi làm chứng minh thư, nên cũng không thể làm thẻ ngân hàng hay ví điện tử. Dù rất muốn mua ebook để đọc nhưng các em cũng không biết mua bằng cách nào”.
Tại Hội thảo: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM cho biết, đơn vị này đã tham gia xuất bản và phát hành sách điện tử từ tháng 10/2012, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được chính thức cấp phép hoạt động.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM kiến nghị cơ quan quản lý cần hoàn thiện bộ thủ tục hướng dẫn theo quy định để các nhà xuất bản có thể phát hành ebook tới bạn đọc.
Còn ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đề xuất, hiện nay đăng ký xuất bản phẩm điện tử chỉ có một định dạng, nhưng thực tế mỗi cuốn sách điện tử có nhiều phiên bản, ví dụ pdf, epub…, bởi vậy nên có mã ISBN riêng cho sách điện tử. Cùng với đó là chính sách cho các nhà xuất bản thuê hạ tầng, thuê dịch vụ làm sách điện tử từ công ty công nghệ. Như vậy, các nhà xuất bản mới có thể làm sách điện tử thuận lợi.