Mục tiêu của ngành ngân hàng trong năm 2017 là tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn

Mục tiêu của ngành ngân hàng trong năm 2017 là tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn

Xử lý nợ xấu là trọng tâm ngành ngân hàng năm 2017

(ĐTCK) Sau những thành tích ban đầu đáng ghi nhận của quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tận dụng tốt điều kiện hiện tại để tích cực đẩy mạnh hơn nữa việc xử lý nợ xấu, trong đó có việc tháo gỡ các vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo.
 

Đây là một trong các nội dung trọng tâm được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng trên địa bàn TP. HCM vừa được tổ chức.

Xử lý nợ gặp rào cản từ tòa án

Kết thúc năm 2016, tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn đạt mức tăng trưởng 16%; dư nợ tín dụng đạt mức tăng trưởng 19,3%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,6% so với mức 3,92% cuối năm 2015.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP. HCM cho biết, nợ xấu đã được kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp hơn so với các năm trước đây. Tuy nhiên, tổng số nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn vẫn còn ở mức cao và chưa giảm nhiều so với cuối năm 2015. Đặc biệt là nợ xấu liên quan đến các vụ án chiếm tỷ trọng cao. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng cũng như hiệu quả kinh doanh của các TCTD trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn nói riêng.

Bên cạnh đó, hiệu quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào quá trình tái cơ cấu và quyết tâm thực hiện tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại. Cụ thể, một số ngân hàng thương mại vẫn chưa xử lý dứt điểm các vấn đề nội tại để củng cố, nghiêm chỉnh thực hiện tái cơ cấu theo phương án đã được đề ra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chính các TCTD và tiềm ẩn rủi ro liên quan, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng.

Phó tổng giám đốc Vietinbank, ông Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu cần có sự quan tâm, đẩy mạnh từ vấn đề tòa án, nhằm giúp ngân hàng xúc tiến quá trình xử lý tài sản đảm bảo, trong đó tập trung vào tài sản bất động sản.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, năm 2016, Ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực, với tổng tài sản tăng 16%; dư nợ tín dụng tăng 21%. Chiến lược của ACB trong năm 2017 là tiếp tục tập trung, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và các vấn đề liên quan với kỳ vọng đến giữa năm 2017 sẽ kết thúc quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, theo ông Toàn, cái khó nhất trong quá trình xử lý nợ xấu hiện nay chính là quá trình thi hành án của tòa án vẫn kéo dài, tạo rào cản lớn trong xử lý nợ. 

Nhiệm vụ trọng tâm 2017

Về chỉ tiêu tăng trưởng năm 2017, trên cơ sở định hướng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành (dự kiến 18%), Chi nhánh NHNN TP. HCM cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% và huy động tăng 16%, đúng theo chủ trương của ngành đề ra.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhận định, kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng tại TP. HCM đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế trên địa bàn nói riêng, cả nước nói chung, cũng như đóng góp tích cực vào hoạt động của ngành. Một trong những mục tiêu đạt được của ngành ngân hàng trong năm qua chính là ổn định mặt bằng lãi suất, dù gặp không ít áp lực. Đến cuối năm 2016, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm được 0,5 - 1%/năm.

Bên cạnh đó, việc điều hành tỷ giá trong năm qua cũng đạt được kết quả khả quan, nhờ cơ chế điều hành tỷ giá mới - tỷ giá trung tâm. Tín dụng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, sản xuất - kinh doanh và kiểm soát chất lượng. Đồng thời, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ lớn hơn 11 tỷ USD, giúp đưa dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất. Khi đồng Việt Nam được giữ ổn định, các nhà đầu tư sẽ tin tưởng và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Nợ xấu và tái cơ cấu ngành tuy còn có những khó khăn nhất định, nhưng trong năm qua đã được đẩy mạnh. Hiện đề án tái cơ cấu của 5 ngân hàng, trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng và DongA Bank, Sacombank hiện đã được NHNN trình Bộ Chính trị và đã được chấp thuận. NHNN đã xây dựng đề án tái cơ cấu chi tiết để triển khai trong thời gian tới, nhằm tái cơ cấu hoạt động của các ngân hàng trên.

Trong năm 2017, nhiệm vụ của ngành là khắc phục những yếu kém còn tồn tại trong hệ thống; các ngân hàng trên địa bàn cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tinh chỉnh. Cụ thể, cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch vào lĩnh vực ưu tiên, song vẫn còn những lĩnh vực chứa đựng rủi ro mà việc đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực này cần được TCTD quan tâm hơn nữa.

Việc sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cấp tín dụng trung, dài hạn vẫn có bất cập khi tỷ lệ vốn trung, dài hạn cho vay hiện nay chiếm khoảng 40 - 49%, trong khi vốn huy động dài hạn chỉ chiếm khoảng 12 - 15% trong tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng. Điều này dễ dẫn tới rủi ro về thanh khoản, do đó cần thực hiện các quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN một cách quyết liệt, nhằm hạn chế rủi ro về thanh khoản cũng như nợ xấu ở các lĩnh vực rủi ro.

Chưa kể, nợ xấu còn ở mức cao, trong khi tốc độ xử lý và thu hồi nợ gặp những khó khăn nhất định. Trong bối cảnh này, việc xử lý nợ phụ thuộc nhiều vào nỗ lực từ các ngân hàng thương mại, cụ thể là các nhà băng phải tăng cường trích dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận thu về, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo…

Đối với việc điều hành lãi suất trong năm 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, sẽ không thể tránh khỏi các áp lực, song mục tiêu của ngành đặt ra năm nay là tiếp tục phấn đấu giảm được lãi suất cho vay, nhất là lãi suất cho vay trung, dài hạn, nhằm đạt được các mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá năm 2017 cũng gặp không ít khó khăn, khi các yếu tố tác động bên ngoài theo hướng không mấy thuận lợi. Vì vậy, mục tiêu lớn nhất của ngành năm 2017 vẫn là quan tâm đặc biệt đến việc điều hành thị trường ngoại tệ, tỷ giá.

Tin bài liên quan