Xử lý nợ xấu cần quyết liệt hơn

Xử lý nợ xấu cần quyết liệt hơn

(ĐTCK) Không chỉ là thực hiện chủ trương của ngành mà bản thân các ngân hàng cho biết sẽ có biện pháp quyết liệt hơn trong tái cấu, xử lý nợ xấu khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục và thị trường bất động sản ấm lên.

Theo chủ trương xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), xử lý nợ xấu là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tái cơ cấu. Cơ quan này cho biết, trong những tháng đầu năm 2017, các giải pháp xử lý nợ xấu (như thu hồi nợ từ khách hàng, bán nợ xấu cho VAMC…) tiếp tục được toàn hệ thống triển khai mạnh mẽ. Nhờ đó, nợ xấu được kiểm soát và xử lý hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống được duy trì ổn định ở mức dưới 3% và có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh đó, Thông báo số 18/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án tái cơ cấu, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của NHNN về việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; đồng thời giao Bộ Tư pháp khẩn trương đăng ký nội dung luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Hiện NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu để trình Chính phủ, dự kiến trình dự thảo Luật này để Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp tới.

Về phía các tổ chức tín dụng, nhiều nhà băng cũng đang đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu, với kỳ vọng nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng có diễn biến tích cực sẽ hỗ trợ công tác này.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho hay, Ngân hàng đang kỳ vọng vào việc đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu năm 2017, trong đó có nội dung về việc gỡ bỏ các rào cản trong xử lý tài sản bảo đảm. Đồng thời, sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, chuyển nhượng, phát mãi tài sản thế chấp.

Năm 2016, SCB đã xử lý, thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu, giúp giảm đáng kể tổng nợ xấu mà Ngân hàng đã bán cho VAMC (từ mức 17.000 tỷ đồng xuống còn 14.000 tỷ đồng cuối năm qua). Ngân hàng đã đẩy mạnh việc thu hồi lãi dự thu, song vẫn phát sinh do các dự án còn dở dang chưa hoàn tất để đi vào khai thác, vì thế chưa giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.

Năm 2017, SCB đặt mục tiêu thu hồi 1.500 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ xấu, tiếp tục thực hiện những nội dung đã được phê duyệt trong đề án tái cơ cấu theo chiều sâu nhằm đạt được mục tiêu trong thời gian cuối của quá trình tái cấu trúc.

Tại Eximbank, ngân hàng này cho biết đã và đang thu hồi các khoản nợ có khả năng rủi ro, thu hồi nợ theo kết luận thanh tra. Trong quý I/2017, Ngân hàng đã thu hồi trước hạn khoảng 500 tỷ đồng theo kết luận thanh tra NHNN.

Mặc dù Eximbank đã tích cực hoán đổi nợ xấu với VAMC cũng như tăng cường xử lý, thu hồi nợ, song hiện đang phải gánh chịu chi phí dự phòng lớn từ danh mục trái phiếu VAMC. Theo đó, giá trị gốc và giá trị thuần sau dự phòng của trái phiếu VAMC chiếm tỷ lệ tương ứng là 8,09% và 6,48% danh mục cho vay khách hàng cuối năm 2016 của Ngân hàng.

Trải qua quá trình tự tái cơ cấu trong những năm qua, OCB đã xử lý các tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối của Ngân hàng đến cuối năm 2016 chỉ còn 1,51%, nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho VAMC thì vào khoảng 3,25%. Trong năm nay, Ngân hàng sẽ tiến hành mua lại khoản nợ đã bán cho VAMC để xử lý và thu hồi.

Các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, việc NHNN trình Chính phủ vấn đề tháo gỡ khó khăn trong phát mãi tài sản đảm bảo để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu là điều cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả khi có luật riêng về xử lý tài sản đảm bảo, vẫn cần khơi thông được vấn đề cốt lõi là làm thế nào để ngân hàng có thể tự xử lý được tài sản bảo đảm khi khoản nợ rơi vào nợ xấu, không phải phụ thuộc vào tòa án như hiện nay.

Có như vậy, tiến trình phát mãi tài sản, xử lý nợ xấu mới được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới. Báo cáo VAMC cho thấy, từ năm 2013 đến nay, VAMC đã mua 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. Trong khi đó, công tác thu hồi nợ mới đạt 37.983 tỷ đồng, chiếm 15% dư nợ gốc nội bảng. Nhiệm vụ xử lý nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng và đòi hỏi trích lập dự phòng rủi ro lớn.

Tin bài liên quan