Nhằm đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, phiên họp diễn ra khi chúng ta đã đi qua 6 tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất trắc, biến động nhanh, phức tạp, khó lường.
Nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2019 xuống khoảng 2,6-3,2% (mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng 2008-2009). Trong 6 tháng đầu năm, ngoại trừ Mỹ, các nền kinh tế lớn khác đều giảm tốc.
Theo các chuyên gia, cạnh tranh thương mại - công nghệ đang leo thang, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, thương mại toàn cầu năm 2019 dự báo chỉ tăng 2,6% (mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua). Giá dầu thô tiếp tục diễn biến phức tạp, bất định.
Những vấn đề nêu trên và tác động tới Việt Nam đã được nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp đề cập, phân tích.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, một trong những kết quả đạt được trong thời gian qua là các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô được bảo đảm trong bối cảnh thị trường quốc tế nhiều biến động. Chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc ta chủ động gặp, trao đổi với Tổng thống Hoa Kỳ.
Trong thời gian tới, đối với rủi ro bên ngoài, cần tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời hơn, phù hợp, tận dụng các FTA đã ký và tập trung phát triển thị trường trong nước. Kiểm tra đánh giá ngay tình trạng đội lốt nhãn mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam, xử lý nghiêm vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Các bộ, cơ quan liên quan cần cương quyết xử lý vi phạm.
Theo dõi đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc bên ngoài. Trong vấn đề này, cần chú ý một số ý kiến từ phía Hoa Kỳ trong mua ròng ngoại hối. Cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên để phía Hoa Kỳ nhìn nhận vấn đề khách quan, thận trọng.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đã và sẽ có tác động rất mạnh đến các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình như thị trường Trung Quốc.
Do đó, cần tập trung các giải pháp để khơi thông các thị trường này, không chỉ mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch (hiện có 8 mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc) mà cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ mở cửa thị trường, mặt khác đẩy nhanh tiến trình phối hợp với phía Trung Quốc để cấp phép cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này.
Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì và phát triển, mở rộng hoạt động giao thuơng với các thị trường xuất khẩu đang phát triển tích cực, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do (FDA), trong thời gian qua đều có tăng trưởng cao, như Canada, Chile, hay Mexico.
Bộ Công Thương đã có Đề án về phòng vệ thương mại báo cáo Thủ tướng Chính phủ để các Bộ, ngành siết chặt quản lý, đảm bảo đồng thời hai mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng phải bền vững và bảo vệ sản xuất trong nước.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thông tin, trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ rất lớn, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: “Những biến động trong 6 tháng đầu năm rất khó đoán ở trên thị trường quốc tế cũng như trong khu vực, nhưng chúng ta đã chủ động và linh hoạt để có những giải pháp nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ ”.
Chính vì vậy, tỷ giá trung tâm điều hành trong 6 tháng đầu năm mới điều chỉnh 1% và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng như liên ngân hàng được điều chỉnh mức từ 0,3 – 0,4%. Điều đó cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tốt tình hình.
Khẳng định tất cả các nhu cầu về ngoại tệ của nền kinh tế đều được cân đối đầy đủ, Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định, mặc dù thị trường có những biến động bên ngoài nhưng hoàn toàn có đầy đủ những công cụ để có thể kiểm soát tốt tỷ giá.
“Đây là cơ sở để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thời gian qua nâng hạng tín nhiệm đối với Việt Nam nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng. Điều này cũng là bước đệm để chúng ta xử lý những tác động bất lợi từ bên ngoài”, Thống đốc nói.
Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã trao đổi cởi mở và xây dựng về những trọng tâm hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực thương mại, năng lượng; sắp tới Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ sẽ sớm ký MOU (biên bản ghi nhớ) về hợp tác dài hạn, ở tầm chiến lược, quy mô lớn về năng lượng, nhập khẩu lớn từ Hoa Kỳ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)...
Tổng thống Donald Trump hoan nghênh và khẳng định ủng hộ hợp tác chiến lược về năng lượng và đề nghị hai nước xây dựng quan hệ thương mại cân bằng, cùng có lợi; hoan nghênh quyết tâm và hành động quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại của Chính phủ Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam và luôn ủng hộ phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương.