Xu hướng tăng giảm đan xen trên thị trường dầu mỏ thế giới

Cuộc họp bàn về sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tuần qua đã trở thành tâm điểm chú ý của thị trường dầu mỏ và giá dầu đã lên xuống theo những tin đồn về sản lượng khai thác của tổ chức này.

Giá dầu thô đã tăng nhẹ lên sát mức 90 USD/thùng ngay khi thị trường mở cửa giao dịch phiên 3/12 trước tin đồn OPEC có thể giữ nguyên hạn ngạch sản lượng trong cuộc họp ngày 5/12

 

Nhưng ngay phiên sau đó, giá dầu lại hạ do giới đầu tư tỏ ra thiếu chắc chắn về quyết định sản lượng mà OPEC sẽ đưa ra. Tổ chức này đang chịu sức ép đòi tăng sản lượng khi mà giá dầu đã tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng và vẫn đang xem xét liệu có tăng nguồn cung dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày hay vẫn giữ nguyên ở mức hiện nay.

 

Giá dầu đột ngột tăng 2 USD ngay trước khi OPEC đưa ra quyết định sản lượng, nhưng rồi lại giảm ngay sau khi OPEC chính thức quyết định vẫn giữ sản lượng ở mức 27,25 triệu thùng/ngày.

 

Xu thế tăng giá trở lại trên thị trường ngay phiên 6/12 sau khi Ngoại trưởng Mỹ, Condoleezza Rice, kêu gọi châu Âu và Nga gia tăng sức ép buộc Iran ngừng làm giàu urani và công bố toàn bộ chương trình hạt nhân của họ. Giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc đã tăng 2,74 USD lên 90,23 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc cũng tăng 1,69 USD lên 90,18 USD/thùng.

 

Đến cuối tuần khi nỗi lo kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ít đi đã một lần nữa làm các nhà buôn dầu phải đành lòng nhìn giá dầu trở về mức 88 USD/thùng.

 

Kết thúc phiên 7/12, giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc giảm 1,73 USD còn 88,50 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc hạ 1,56 USD xuống 88,62 USD/thùng.