Xi măng Hà Tiên 1 (HT1): Cổ tức tốt nhưng tương lai bấp bênh

Xi măng Hà Tiên 1 (HT1): Cổ tức tốt nhưng tương lai bấp bênh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thoát tăng trưởng lợi nhuận âm trong nửa đầu năm, hoạt động kinh doanh của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) trong nửa năm còn lại không chỉ toàn thuận lợi.

Lợi nhuận ổn định trong nửa đầu năm

Báo cáo tài chính quý II/2020 của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) cho biết, dù doanh thu thuần trong quý đạt 2.035 tỷ đồng, giảm 14,1% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận gộp chỉ giảm 2,6%, đạt 419,8 tỷ đồng. Cùng với các chi phí tài chính và chi phí quản lý được kéo giảm, Công ty đã ghi nhận 257,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ giảm gần 3 tỷ đồng so với quý II/2019.

Kết quả lợi nhuận có thể tốt hơn nếu HT1 không ghi nhận khoản lỗ từ thu nhập khác 14,1 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 3.767 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ 2019, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 0,43%, đạt 397 tỷ đồng. Với kết quả này, HT1 đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và gần 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Xi măng Hà Tiên 1 (HT1): Cổ tức tốt nhưng tương lai bấp bênh  ảnh 1

Báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI cập nhật, sản lượng tiêu thụ của HT1 đã giảm 14,6% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay (bao gồm giảm 16% trong quý I và 12,4% trong quý II). Nguyên nhân chủ yếu là dịch bệnh khiến các hoạt động xây dựng trong nước chững lại.

Yếu tố thuận lợi trong hoạt động kinh doanh nửa đầu năm của HT1 là chi phí nhiên liệu thấp khi giá than đầu vào (chiếm 40% chi phí sản xuất clinker) đã giảm 10% so với đầu năm 2020 và giá điện (chiếm 15% chi phí sản xuất clinker) giảm 10% trong quý II nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Thêm vào đó, HT1 đã thay thế khoảng 20 - 30% lượng than đầu vào cho nhà máy Bình Phước bằng vải phế liệu với giá thấp hơn cũng giúp giảm chi phí sản xuất. Sản lượng thuê ngoài có biên lợi nhuận thấp hơn cũng giảm từ mức 9% trong quý II/2019 xuống 4% trong quý vừa qua.

Xi măng Hà Tiên 1 (HT1): Cổ tức tốt nhưng tương lai bấp bênh  ảnh 2

Riêng trong quý II/2020, biên lợi nhuận gộp của HT1 đã đạt 20,6%, tăng 2,43 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận quý có biên lãi gộp cao nhất kể năm 2017. Tính chung trong nửa đầu năm, biên lãi gộp đạt 18,96%, cải thiện 3,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019.

Ngoài ra, khả năng duy trì lợi nhuận của HT1 còn có sự đóng góp đáng kể từ việc chi phí tài chính khi giảm 14,5% so với cùng kỳ 2019, từ 124 tỷ đồng xuống còn 106 tỷ đồng.

Kết quả này có được nhờ dư nợ vay của HT1 đến cuối quý II/2020 đã giảm 18,4% (tương đương 574 tỷ đồng) so với đầu năm. So với cùng kỳ năm ngoái, dư nợ của HT1 giảm hơn 900 tỷ đồng, nhờ dòng tiền kinh doanh tiếp tục thặng dư và nguồn tiền thặng dư từ niên độ kế toán trước.

Những năm qua, dòng tiền kinh doanh có thể xem là điểm mạnh trong bức tranh tài chính của HT1 khi thặng dư 1.209 tỷ đồng trong 2019, 1.852 tỷ đồng trong 2018 và 198 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Trong điều kiện nhu cầu đầu tư không lớn, dòng tiền thặng dư một mặt giúp Công ty duy trì việc chi trả cổ tức tiền mặt, mặt khác từng bước giảm nợ, giảm chi phí tài chính và cải thiện cơ cấu vốn.

Nhiều kỳ vọng trong nửa cuối năm 2020

Bước sang nửa cuối năm 2020, điểm tích cực đầu tiên với HT1 là giá than thế giới vẫn duy trì ở mức thấp sau khi ghi nhận một nhịp phục hồi nhẹ vào đầu tháng 5.

Trong khi đó, với đầu ra, triển vọng doanh thu của Công ty cũng được kỳ vọng có thể tích cực hơn nhờ chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, với “quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang”.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với các tỷ lệ thực hiện cùng kỳ năm 2019.

Nỗ lực đẩy mạnh các dự án đầu tư công trong nửa cuối năm 2020, trong đó có nhiều dự án hạ tầng lớn như các tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Ðây cũng được xem là nguyên nhân giúp nhiều cổ phiếu ngành vật liệu như sắt thép, đá xây dựng nổi sóng thời gian vừa qua.

Ðối với kênh xuất khẩu, báo cáo phân tích của SSI dẫn nguồn Tổng cục Hải quan cho biết, sau khi tăng trưởng âm 9% so với cùng kỳ trong quý I/2020, sản lượng xi măng xuất khẩu trong quý II/2020 đã đạt mức tăng khoảng 23% nhờ nhu cầu ở Trung Quốc -  thị trường tiêu thụ xi măng, clinker lớn nhất của Việt Nam - phục hồi.

Dù sản lượng xuất khẩu hiện chiếm tỷ trọng thấp, với khoảng 3,3% sản lượng xi măng tiêu thụ trong năm 2019 của HT1, nhưng việc sản lượng xuất khẩu toàn ngành phục hồi cũng được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Song cũng có không ít khó khăn chờ đợi

Dù có không ít điểm tích cực để kỳ vọng, bức tranh kinh doanh của HT1 được đánh giá đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Tình trạng dư cung của ngành vẫn là bài toán nan giải. Ðiều này phần nào thể hiện qua báo cáo của Tổng giám đốc HT1, ông Lưu Ðình Cường tại Ðại hội đồng cổ đông tổ chức tháng 6/2020.

Theo đó, trong năm 2019, thị trường xi măng nội địa nói chung và khu vực miền Nam nói riêng cạnh tranh khốc liệt, cung vượt cầu trên 30%. Trong khi đó, tiêu thụ xi măng khu vực phía Nam chỉ đạt 23,25 triệu tấn, giảm 2,94% so với cùng kỳ 2018.

Nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, nhưng nguồn cung phía Nam tăng khi trạm phân phối công suất 1 triệu tấn/năm của Xi măng Xuân Thành tại Ninh Thủy, Khánh Hòa và trạm phân phối của Xi măng Nghi Sơn với sức chứa 7.000 tấn tại Khu công nghiệp Hậu Giang đi vào hoạt động.

Cũng cần lưu ý thêm là sản lượng tiêu thụ tại các dự án đầu tư công chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm của HT1.

Phân khúc tiêu thụ chủ yếu của công ty vẫn là xây dựng dân dụng. Bức tranh kinh tế nói chung và ngành xây dựng nói riêng, nhất là các phân khúc xây dựng nhà ở, cơ sở lưu trú, khách sạn và phân khúc xây dựng công nghiệp năm nay còn khó khăn hơn khi chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, khiến sức cầu tiêu thụ xi măng bị ảnh hưởng.

Dịch bệnh cùng những căng thẳng thương mại và bất ổn về chính trị còn có thể ảnh hưởng đến chi phí năng lượng, cụ thể là giá than - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất của HT1.

Công ty đang được hưởng lợi từ xu hướng giá than giảm trong nửa đầu năm nay nhưng nếu giá nhiên liệu này tăng mạnh trở lại sẽ trở thành bất lợi. Trong khi đó, giá điện trong quý III sẽ không còn được hỗ trợ như trong quý II vừa qua.

Ðối với bức tranh tài chính, có thể thấy dư nợ và áp lực chi phí của HT1 đến nay vẫn còn khá lớn khi tính đến 30/6/2020, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn hiện còn 2.607,8 tỷ đồng, chiếm 26,8% tổng nguồn vốn, trong đó có 78,9% là các khoản nợ vay ngắn hạn. Chi phí lãi vay trong nửa đầu năm nay chiếm gần 20% lợi nhuận kinh doanh.

Giả định HT1 có thể tiếp tục duy trì được dòng tiền kinh doanh và xu hướng trả nợ như 2 năm trở lại đây, cũng cần thêm vài năm nữa kết quả hoạt động tài chính mới đảo chiều.

Trong bối cảnh đó, việc duy trì tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt khá cao (năm 2018 chi 517,5 tỷ đồng, năm 2019 chi 457 tỷ đồng) tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu HT1 nhưng cũng khiến nguồn lực dự trữ của Công ty bị ảnh hưởng.

Lượng tiền gửi kỳ hạn dài hơn 3 tháng của Công ty đến cuối quý II/2020 hầu như không đáng kể, tương tự là khoản thu nhập từ lãi tiền gửi thấp hơn nhiều so với lãi vay phải trả.

Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020 tổ chức tháng 6/2020, HT1 đã thông qua phương án chi trả cổ tức tiền mặt năm 2019 là 1.200 đồng/cổ phiếu (tỷ suất cổ tức trên thị giá 14.400 đồng/cổ phiếu tại phiên 18/8 là 8,3%).

Với hơn 381 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HT1 sẽ cần chi ra 457 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này trong những tháng cuối năm.

Tin bài liên quan