“Xanh” và “bền vững” phải thực sự đi vào cuộc sống, vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế

(ĐTCK) “Tăng trưởng xanh” là một cách thức tiếp cận hiện đại và tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. “Xanh” và “bền vững” gắn liền với 3 trụ cột không thể thiếu, đó là kinh tế, môi trường và xã hội. Một nền kinh tế tăng trưởng và phát triển đạt cả 3 yếu tố này mới thực sự là “tăng trưởng xanh”, “phát triển bền vững”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Đây là cách tiếp cận mang rất nhiều ý nghĩa thiết thực, không chỉ hướng đến sự gia tăng lợi ích kinh tế đơn thuần, mà còn bao hàm cả quá trình duy trì, bảo tồn và tiến tới phục hồi các nhân tố môi trường, đặc biệt là môi trường sinh thái tự nhiên;  giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; xây dựng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của nền kinh tế và xã hội trong lâu dài.

“Tăng trưởng xanh” đã được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn và theo đuổi. Chúng ta cũng đã bắt đầu xây dựng, thực hiện và hướng tới hoàn thiện mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tận dụng tối đa các lợi thế để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và “tăng trưởng xanh” trở thành mục tiêu xuyên suốt và dài hạn của tăng trưởng kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất; khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả song song với hoạt động duy trì, bảo tồn và phục hồi môi trường tự nhiên; giảm thiểu tác động và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo tác động lan tỏa từ các thành tựu kinh tế tới các khu vực xã hội, góp phần giảm đói nghèo và thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, tạo động lực mới và bền vững cho tăng trưởng kinh tế.

Đối với nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào tháng 9/2012; đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 vào năm 2014, tạo khung chính sách để tập trung thúc đẩy triển khai mô hình này trong thời gian tới. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến lược, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt ở cả khía cạnh chủ trương, chính sách và cả thực tiễn triển khai.

Tuy nhiên, để nỗ lực và quyết tâm này lan tỏa đồng bộ tới các ngành, các cấp, các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, chúng ta cần nhất quán tư tưởng đổi mới gắn liền với tư duy “phát triển xanh”, đồng thời phát triển tư duy này một cách mạnh mẽ để “xanh” và “bền vững” phải thực sự đi vào cuộc sống, vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Tư duy “xanh” phải trở thành thường trực trong mọi suy nghĩ của tất cả chúng ta. Từ đó, đề cao tinh thần trách nhiệm của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tích cực huy động đa dạng các nguồn lực cả trong và ngoài nước để đầu tư cho “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện các giải pháp tổng thể, toàn diện có căn cứ khoa học và thực tiễn để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cũng như phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Những vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu gần đây đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm hết sức quý giá trong quá trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nhất là trong việc lựa chọn, triển khai và theo dõi các dự án đầu tư có quy mô lớn. Từ những bài học đã rút ra, các ngành, địa phương phải nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm trong một loạt vấn đề, từ việc cấp giấy phép cho các nhà đầu tư, cũng như có các giải pháp kiểm tra, kiểm soát việc vận hành các dự án này khi đi vào hoạt động. Trong thời gian tới, thu hút đầu tư phải có sự chọn lọc, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án công nghệ lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường.