Đánh giá định kỳ hạn mức trả tiền bảo hiểm
Trong giai đoạn bình thường, hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi (BHTG) của Philippines được đánh giá định kỳ 2 năm 1 lần. Yếu tố chính để xác định hạn mức ở Philippines là Tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm/Tổng số tài khoản tiền gửi và mục tiêu nước này đặt ra là phải đảm bảo phần lớn tài khoản tiền gửi của người gửi tiền nhỏ lẻ được bảo vệ. Ngoài ra, hạn mức BHTG còn được đánh giá qua một số yếu tố khác như lạm phát, tỷ lệ GDP bình quân đầu người,….
Kể từ khi thành lập PDIC năm 1963, Philippines đã 6 lần điều chỉnh hạn mức BHTG. Lần thay đổi hạn mức gần đây nhất vào tháng 6/2009, ở mức 500.000 peso, có tới 97% tài khoản tiền gửi được bảo vệ toàn bộ, trong khi xấp xỉ 31% tổng số tiền gửi được bảo vệ toàn bộ.
Bên cạnh đó, trong lịch sử các lần điều chỉnh hạn mức kể từ năm 1983 trở lại đây, tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ tại Philippines đều cao hơn 90%. Khi tỷ lệ này có xu hướng giảm đi, Chính phủ nước này đều có chính sách nâng hạn mức BHTG nhằm tăng tỷ lệ bảo vệ tài khoản tiền gửi của người gửi tiền.
Các lần điều chỉnh hạn mức và tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm trên tổng số tài khoản tiền gửi tại Philippines
Nguồn: Tổng hợp từ tài liệu “Coverage Limits: The PDIC Experience
Trong cuộc khủng hoảng năm 2009, Chính phủ Phillipines chủ trương cung cấp mọi cơ chế cần thiết để PDIC thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần ổn định tài chính.
Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng quy định trong Luật Cộng hòa 9576 do Quốc hội Phillipines ban hành. Luật quy định, nâng hạn mức BHTG và tăng cường thẩm quyền pháp lý, năng lực tài chính của PDIC để thực hiện được tốt nhất mục tiêu chính sách.
Theo đó, hạn mức BHTG của Philippines từ năm 2009 trở đi được tăng từ mức 250.000 Peso (tương đương 4.500 USD) lên mức 500.000 Peso (tương đương 10.700 USD). Hạn mức này bảo hiểm được 97,2% tổng tài khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.
PDIC được thành lập vào tháng 6/1963, là tổng công ty thuộc Chính phủ, hoạt động độc lập với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền và nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng cũng như góp phần thúc đẩy một hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh. Từ khi thành lập đến nay, PDIC đã đạt được những thành tựu đáng kể, đăc biệt phải kể đến chính sách hạn mức năng động của quốc gia này. Đây là một kinh nghiệm quý báu để các tổ chức BHTG trong khu vực và trên thế giới tham khảo khi triển khai chính sách BHTG.
Đối với vấn đề thẩm quyền, Luật cho phép PDIC có quyền linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh hạn mức chi trả BHTG nhằm đáp ứng với những diễn biến nhanh, bất ngờ của khủng hoảng tài chính.
Trong trường hợp có biến cố xảy ra, đe dọa sự ổn định tài chính và tiền tệ của hệ thống ngân hàng mà có thể gây ra những hậu quả mang tính hệ thống, hạn mức chi trả BHTG có thể được điều chỉnh sau khi có sự nhất trí của Hội đồng quản trị của PDIC trong cuộc họp do bộ trưởng Tài chính nước này chủ trì và sau khi được Tổng thống Phillippines chấp thuận.
Ngoài ra, để đảm bảo cho PDIC có đủ năng lực tài chính, theo Luật Cộng hòa 9576, Quốc hội Philippines hàng năm sẽ cung cấp nguồn tài chính cần thiết để chi trả cho khoản tiền bồi thường vượt quá hạn mức cũ trước đây là 250.000 peso.
Bài học kinh nghiệm
Có thể thấy một số bài học kinh nghiệm của Philippines trong việc xác định hạn mức BHTG như sau:
Thứ nhất, lấy mục tiêu bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ làm cốt yếu, đánh giá liên tục và thay đổi hạn mức phù hợp. Có thể nói, việc điều chỉnh hạn mức tại quốc gia này đã đi vào thực tiễn đời sống của người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng.
Thứ hai, luật của Philippines cho phép PDIC được phép linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh hạn mức BHTG nhằm đáp ứng với những diễn biến nhanh, bất ngờ của khủng hoảng tài chính. Đặc biệt, khi xảy ra khủng hoảng, Chính phủ Philippines ngay lập tức tăng thẩm quyền cũng như hỗ trợ tài chính cho PDIC, nhờ thế, Philippines đã đạt được những hiệu quả lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, phòng tránh những đổ vỡ dây chuyền và khủng hoảng tài chính, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Philippines là nước có một số nét tương đồng về kinh tế - xã hội với Việt Nam, nên kinh nghiệm về hạn mức của Philippines sẽ là bài học tốt đối với Việt Nam trong việc xác định một hạn mức phù hợp trong giai đoạn tới.