(ĐTCK) Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê chuẩn một khoản tín dụng trị giá 250 triệu USD cho Chương trình Phát triển Đô thị Quốc gia khu vực Miền núi phía Bắc (RBNUDP-NM). Như vậy cùng với gói 250 triệu USD hỗ trợ Quản lý Kinh tế và Năng lực Cạnh tranh cho Việt Nam lần thứ 2 (EMCC 2), WB đã cấp tín dụng ưu đãi tổng cộng 500 triệu USD cho Việt Nam cùng một đợt.
Theo đó, chương trình Phát triển Đô thị Quốc gia khu vực Miền núi phía Bắc sẽ được triển khai tại vùng núi phía Bắc theo phương pháp cấp vốn mới, gắn kết quả thực hiện với số vốn được cấp.
“Đô thị hóa tại khu vực miền núi phía bắc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển địa phương, là trung tâm kinh tế, thương mại và hành chính cho trao đổi thương mại khu vực và biên mậu”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói. “Qui hoạch và phát triển bền vững đối với những thành phố này sẽ là cơ hội để giảm nghèo và tạo ra phát triển cho mọi người tại khu vực còn kém phát triển này."
Các thành phố tham gia chương trình sẽ được cấp vốn theo các chương trình cụ thể nhằm tăng cường năng lực quản lý và phát triển các công trình hạ tầng như cầu, cống, đường giao thông và nâng cấp hạ tầng tại các khu vực thu nhập thấp. Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm giám sát và điều phối Chương trình và hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương tham gia dự án.
Công cụ tài chính này của Ngân hàng Thế giới, còn gọi là Chương trình dựa trên kết quả (PforR) tiến hành giải ngân gắn với kết quả thực hiện chương trình. Đây là chương trình thứ hai Ngân hàng Thế giới thực hiện tại Việt Nam với phương thức này. Nguồn vốn dành cho chương trình này được cấp bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế, bộ phận cấp vốn cho các nước thu nhập thấp của Ngân hàng Thế giới.
Còn khoản tín dụng 250 triệu USD còn lại cho Việt Nam cho chương trình Quản lý Kinh tế và Năng lực Cạnh tranh cho Việt Nam lần thứ 2 (EMCC 2) sẽ tập trung vào các lĩnh vực: (i) Tăng cường quản trị ngành tài chính và quản lý tài khóa nâng cao ổn định vĩ mô; (ii) Tăng cường quản lý hành chính công, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý đầu tư công nâng cao minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình khu vực công; (iii) Giảm thủ tục hành chính, tăng cường chính sách thuế và mua sắm công tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.