Thời gian qua, cộng đồng nhà tài trợ quốc tế đã dành cho Việt Nam nhiều khoản vay, sự hỗ trợ và phần lớn các dự án đều góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước một số thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề tham nhũng.
Các biện pháp bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và môi trường đầu tư, kinh doanh theo tinh thần công khai, minh bạch, đồng thời tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm phòng chống tham nhũng, cũng như những hành động gian lận trong quản lý, thực hiện các dự án; nhất là dự án sử dụng nguồn vốn vay quốc tế tại Việt Nam.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, thời gian qua, cộng đồng nhà tài trợ quốc tế đã dành cho Việt Nam nhiều khoản vay, sự hỗ trợ và phần lớn các dự án đều góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, WB đã dành cho Việt Nam hơn 4 tỷ USD trong vòng 3 năm qua, cho thấy sự quan tâm liên tục của tổ chức này đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập, Việt Nam cũng đứng trước một số thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề tham nhũng. Đây là vấn nạn lớn gây tác hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế và làm mất lòng tin xã hội. Trong đó có sự tham nhũng đối với dự án đầu tư, thuộc nhiều lĩnh vực mà điển hình là giao thông vận tải, cấp nước, năng lượng, xây dựng. Một số vụ việc đã được phát hiện, xử lý nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn cần được kiểm soát, ngăn chặn.
Vấn đề đặt ra để khắc phụ triệt để vấn nạn này là cần đổi mới thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động quản trị, nhất là đối với những dự án sự dụng nguồn vốn công hoặc ODA. Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp (DN) tham gia phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cũng theo khuyến nghị của WB, Việt nam cũng nên chủ động hợp tác, đúc rút bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong phòng chống và đẩy lùi tham nhũng.
Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện Việt Nam đang nỗ lực thực hiện quá trình cải cách để tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Năm 2014, Việt Nam đã sửa đổi, ban hành một số Luật, văn bản pháp lý quan trọng như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu… nhằm kiện toàn hệ thống pháp luật, đồng bộ hóa chính sách theo hướng minh bạch, công bằng và phù hợp thông lệ quốc tế.
Ông Dũng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện cải cách, thắt chặt và nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo cơ hội bình đẳng cho DN cũng như sự đồng thuận xã hội.