Anh hùng về môi trường
Nhìn lại chặng đường phát triển của Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), ông Thảo nhớ lại cách đây 12 năm, khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty. Thời điểm đó, khi túc trực ngoài công trường để trực tiếp điều hành công việc, thấy công nhân phải chui xuống những ống cống tối đen và nguy hiểm vì khí độc để múc từng gàu bùn, ông đã nghĩ đến việc cần phải làm gì đó để họ bớt khổ cực. “Đó chính là khởi điểm để tôi chính thức dính vào ‘nghiệp’ nghiên cứu khoa học từ đòi hỏi thực tiễn cuộc sống”, ông Thảo nói.
Với những trăn trở đó, ông Thảo đã cùng các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Công ty lập Đề tài nghiên cứu khoa học “chế tạo cụm máy tời nạo vét hệ thống thoát nước”. Sau thời gian dài nghiên cứu, hệ thống này đã ra đời, có thể thay thế hiệu suất hoạt động của khoảng 20 công nhân. Về cơ bản, hệ thống xử lý được tình trạng tắc nghẽn đường ống thoát nước, nhất là với hệ thống cống có đường kính nhỏ, công nhân không thể chui vào.
Ngay khi ra đời, cụm máy tời nạo vét hệ thống thoát nước đã được giới khoa học công nghệ môi trường, các công ty thoát nước đô thị trong cả nước đón nhận và đánh giá cao, bởi giá thành thiết bị thấp hơn rất nhiều lần so với các thiết bị chuyên dụng nhập từ nước ngoài, cách thức sử dụng cũng đơn giản. Với công trình nghiên cứu này, năm 2004, ông Thảo đã được trao giải Ba, Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (Vifotec).
Trong và sau thời điểm đó, ông Thảo và các cộng sự còn nghiên cứu và thực hiện các đề tài “Hệ thống hố ga ngăn mùi và thu nước mưa kiểu mới”, sáng tạo mối nối mềm thay thế cho mối nối cứng hiện nay để liên kết cống - hố ga, giải bài toán sụt lún đất đá xuống lòng cống do đứt gẫy mối nối cống… và cũng được Vifotec trao tặng nhiều giải thưởng lớn. Những cống hiến của ông đã được đền đáp xứng đáng với danh danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước phong tặng vào năm 2011.
Khắc tinh của sụt lún
Chứng kiến biến đổi khí hậu đã cướp đi rất nhiều đất đai, nhà cửa của quê hương cũng như nhiều vùng đất đẹp, trù phú khác, ông Thảo đã thức trắng nhiều đêm để tìm các giải pháp có thể “khắc tinh” hiện tượng này… Ông cùng các cộng sự lao vào nghiên cứu sản phẩm cấu kiện kè lắp ghép bảo vệ bờ và đê biển, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Sản phẩm “chân kè lắp ghép bảo vệ bờ biển và đê biển” ra đời từ những nỗ lực đó.
Ông Thảo cho biết, hiện các công trình thủy lợi kè giữ mái dốc để bảo vệ bờ và đê biển, mái bờ sông, mái kênh mương phục vụ nông, lâm, thủy lợi tại Việt Nam chủ yếu sử dụng loại chân kè được thi công tại chỗ theo các phương pháp truyền thống, với nhiều loại kết cấu như chân kè bằng tường chắn bê tông hoặc đá hộc, cọc cừ, ống buy...
“Các giải pháp này trong thiết kế thường thiên về kết cấu ‘cứng’, nên dễ xảy ra rủi ro phá vỡ kết cấu do sạt lở, xói mòn, lún sụt cục bộ, khó kiểm soát chất lượng, tiến độ. Hơn nữa, kè chắn bê tông cốt thép xây dựng trong môi trường xâm thực vùng biển, nên hiện tượng ăn mòn cốt thép và bê tông dễ dẫn đến hiện tượng nứt vỡ và phá huỷ kết cấu, gây hư hỏng, không đảm bảo tuổi thọ công trình…”, ông Thảo phân tích.
-Sinh năm 1960, tại xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ông Thảo bắt đầu khởi nghiệp tại Công ty Xây dựng số 10 với công việc là thợ xây dựng bậc 3/7.
- Sau nhiều năm bôn ba trên những công trình xây dựng lớn ở khắp đất nước, ông dừng chân tại thành phố biển Vũng Tàu, được giao các nhiệm vụ Kế toán trưởng Công ty liên doanh
Xây lắp, Phó trưởng ban Quản lý Công trình Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng nhiều chức danh khác.
-Năm 2003, ông nhận chức vụ Tổng giám đốc Busadco.
Sản phẩm “chân kè lắp ghép bảo vệ bờ biển và đê biển” của Busadco có thể khắc phục được những nhược điểm trên. Hơn nữa, sản phẩm lại mỏng và nhẹ hơn, có khả năng đúc sẵn, lắp ghép thuận tiện và đơn giản, chi phí thấp. Giải pháp này có cấu tạo sử dụng hệ liên kết lắp ghép đồng bộ: hình khối, cột trụ, đà giằng nhằm giữ ổn định, chống đẩy nổi, chống trượt, chống xói chân, cho phép chuyển vị đứng, đảm bảo hệ liên kết chống đứt gãy, lún sụt cục bộ, sạt lở, xói mòn...
Nghiên cứu và tìm ra các giải pháp tốt đã khó, con đường đưa các giải pháp này đi sâu vào cuộc sống cũng gập ghềnh không kém. Ngoài mục tiêu đưa chúng trở thành sản phẩm không thể thiếu của nông thôn, đô thị Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ông Thảo và Busadco còn ước muốn sản phẩm của mình có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của các quốc gia khác khi Việt Nam hội nhập.