Chắc chắn, bản án mà tòa phán quyết sẽ được định lượng và có thời hạn, song tòa án lương tâm sẽ theo các bị cáo cả cuộc đời khi những hành vi phạm tội xuất phát do lòng tham với những đồng tiền kiếm được bất chấp số phận, hoàn cảnh của những bệnh nhân mắc bệnh nan y.
Có lẽ kinh doanh thuốc chữa bệnh là một lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao và nhanh. Đơn giản bởi sức khỏe là vốn quý nhất của con người, nên khi có bệnh, thì mọi người, bất kể sang hèn đều không tiếc tiền, sẵn sàng dốc hết những đồng tiền còm cõi cuối cùng để hy vọng được sống. Cũng bởi vậy, với ngành y, ngoài việc phải tuân thủ rất nhiều quy định pháp luật, người trong ngành còn bị ràng buộc bởi y đức, bởi “lương y như từ mẫu”, bởi Lời thề Hippocrates.
Những bệnh nhân mắc ung thư thường có tâm lý lo sợ, “ngàn cân treo sợi tóc”, trong khi bản năng con người ai cũng muốn sống.
Người thân của họ cũng sẵn sàng hy sinh vật chất, thậm chí một phần cơ thể mình để giúp người bị bệnh. Có những bà mẹ đã phải bán máu để có tiền mua thuốc cho con bị ung thư. Trong khi đó, theo khảo sát sơ bộ tại một số bệnh viện, có khoảng 34% bệnh nhân bị ung thư ở Việt Nam không đủ tiền mua thuốc; gần 25% gia đình khánh kiệt vì chữa trị ung thư. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng từng công bố, tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư phổ biến chiếm khoảng 0,22% tổng GDP hàng năm của Việt Nam.
Nhưng vì lòng tham vô hạn, các bị cáo vụ VN Pharma đã làm giả giấy tờ để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg không rõ nguồn gốc, tức không đủ điều kiện để sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Thuốc đó không những không cứu được người bệnh, mà còn vô hiệu hóa các phương pháp chữa bệnh khác.
Hành vi của các bị cáo đã cướp nốt hy vọng sống mong manh nhỏ nhất của những bệnh nhân ung thư và gia đình họ. Vì lợi nhuận, dù biết rõ đó là “tiền máu”, nhưng các bị cáo vẫn bất chấp luật pháp, bất chấp y đức và lớn hơn là đạo làm người để trục lợi riêng.
Với vụ VN Pharma, dù đó là bản án định lượng hay định tính được tòa án đưa ra, dù đó án tù hay án tử thì cũng chỉ là giải pháp cho “giai đoạn cuối”, tức chỉ để xử lý hậu quả, xử lý trách nhiệm, không phải để “phòng cháy” – tức ngăn chặn hành vi kiếm “tiền máu” ngay từ đầu. Trong lúc này, điều mà nhiều người quan tâm là các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp trong ngành y đã “phòng cháy” ra sao?
Vụ VN Pharma sẽ còn giai đoạn II khi Bộ Công an mở rộng điều ra bằng việc khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thẩm định, xét duyệt, cấp phép, cho thông quan sản phẩm thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và Công ty Health 2000 Canada.
Vụ việc sẽ khá phức tạp bởi trong 3 năm (2012 - 2014), Bộ Y tế đã cấp hơn 600 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có cả thuốc H-Capita trong vụ VN Pharma.
Thuốc là để chữa bệnh, cứu người, nhưng nhiều sản phẩm y dược có nguy cơ hại người lại lọt qua mọi cửa ải, bởi tại thời điểm đó, chắc chắn những thông tư mà Bộ Y tế ban hành phải chứa đầy lỗ hổng thì doanh nghiệp vô lương tâm mới có cơ hội trục lợi.
Các tổ chức, cá nhân liên quan vụ VN Pharma, dù chịu trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp sẽ chịu hình thức xử lý thích đáng. Nhưng sẽ không thể chấp nhận bất cứ tồn tại, bất cứ lỗ hổng nào trong việc ban hành các quy định pháp lý, cũng như quy trình sản xuất, điều trị bệnh trong ngành y dược.
Để phòng ngừa, chặn đứng hành vi trục lợi, thu “tiền máu” trên số phận, trên nỗi đau của bệnh nhân, thay vì chạy theo xử lý hậu quả, trước hết các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là ngành y cần phải đầu tư hơn nữa cho đào tạo con người, đồng thời nghiêm túc xem xét lại công tác quản lý trong ngành.