Kit test PCR Công ty Việt Á đang bị nghi vấn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.
3 triệu kit test nhanh nhập từ Trung Quốc giá chỉ 20.000 đồng
Mới đây, Tổng cục Hải quan bất ngờ công bố số liệu hàng nhập khẩu của Công ty Việt Á, với tỷ lệ 100% hàng nhập từ Trung Quốc và nhiều nước khác từ năm 2017 tới năm 2021. Công bố này chính là “chìa khóa” để cơ quan liên quan làm rõ khúc mắc lớn nhất của người dân: nguyên liệu kit test Covid-19 mà Công ty Việt Á tung ra có sản xuất ở Việt Nam hay “treo đầu dê, bán thịt chó”?
Theo Tổng cục Hải quan, Phan Quốc Việt là Giám đốc điều hành Công ty Việt Á (có 5 chi nhánh) và đứng tên Giám đốc trên 11 công ty, trong đó chỉ có Công ty Việt Á hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm...
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Công ty Việt Á trong 5 năm (từ 2017-2021) gồm: “bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2” và “nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm”.
Đối với bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Công ty Việt Á nhập khẩu sản phẩm chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc với số lượng 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng hơn 20.000 đồng/test), tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.
Về nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm, Việt Á nhập từ nhiều nước khác nhau.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm (2017 - 2021), Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu 286 tỷ đồng. Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm là 162 tỷ đồng (gồm 64,68 tỷ đồng que thử thành phẩm, 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm) và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Khu nhà xưởng sản xuất kit test của Công ty Việt Á tại Bình Dương chỉ là nơi phối trộn các nguyên liệu, chứ không phải nơi sản xuất 5 loại nguyên liệu. |
Kit test nhanh không phải kit test PCR
Không ít người nhầm lẫn 2 dạng kit test Covid-19, nên với con số hải quan nêu trên, đã bức xúc cho rằng, việc Công ty Việt Á nhập kit test Covid-19 giá hơn 20.000 đồng/bộ và về bán giá 470.000 đồng/bộ là lợi dụng dịch bệnh, nâng khống, là lừa dối khi nhập hàng Trung Quốc về nhưng lại gắn mác “Madein Việt Nam” và mác “đề tài nghiên cứu cấp... quốc gia” để vừa moi gần 19 tỷ đồng ngân sách, vừa bán lại cho Nhà nước thu về gần 4.000 tỷ đồng khác.
Tổng cục Hải quan cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Công ty Việt Á gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Kỹ thuật - Technimex, Công ty cổ phần Vật tư khoa học Biomedic, Công ty cổ phần Kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH Thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH Thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty cổ phần Công nghệ TBR.
Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thì 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2 chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold) chính là kit test nhanh để xác định định tính trong ống nghiệm đối với kháng nguyên Coronavirus mới trong gạc mũi hoặc gạc họng của con người. Chúng được sử dụng để điều tra nhanh các trường hợp nghi ngờ có Coronavirus mới, cũng có thể được sử dụng như một phương pháp xác nhận lại để phát hiện axit nucleic trong các trường hợp đã xuất viện. Loại kit này bán nhiều ở các tiệm thuốc và được người dân mua về tự test.
Cũng theo số liệu Tổng cục Hải quan, từ tháng 9 tới tháng 12/2021, tức trong 3 tháng, Công ty Việt Á nhập từ Trung Quốc số kit test nhanh này. Trong khi đó, theo điều tra của cơ quan công an, thì từ tháng 4/2020 tới tháng 12/2021, Công ty Việt Á không bán kit test nhanh, mà kit test PCR, tức cũng dùng que bông lấy mẫu bệnh phẩm về rồi đưa vào máy PCR phân tích cho ra kết quả chính xác hơn kit test nhanh thông thường.
Các dữ liệu trên cho thấy, việc nhận định Công ty Việt Á mua kit test giá hơn 20.000 đồng về bán 470.000 đồng là nhầm lẫn 2 loại kit khác nhau. Có thể Công ty Việt Á ngoài bán kit test PCR, thì cũng nhập kit test nhanh về với toan tính khác, nhưng đã bị tê liệt bởi ngay tháng 12/2021, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt giam Tổng giám đốc Công ty Việt Á cũng hàng loạt cá nhân liên quan.
Nhưng có con số… biết nói
Ngoài kit test nhanh, Tổng cục Hải quan cũng công bố việc Công ty Việt Á “nhập 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm”.
Tại cơ quan điều tra, nhân viên Công ty Việt Á khai, kit test PCR Việt Á có 5 loại sinh phẩm hoá chất khác nhau trộn lại theo công thức. Khi công an tới khám xét, nhà máy sản xuất chính của Công ty Việt Á chỉ là nơi phối trộn nguyên liệu, không sản xuất nguyên liệu. Trong khi đó, theo các chuyên gia, lâu nay các loại sinh phẩm này toàn phải nhập nước ngoài về phối trộn vì Việt Nam chưa sản xuất được.
Logic dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và thực tế hiện trường nhà máy, cũng như thông tin từ cơ quan công an cho thấy, nghi vấn cho rằng, toàn bộ nguyên liệu, máy móc (ngoại trừ bao bì) mà Công ty Việt Á dùng làm kit test PCR là nhập từ Trung Quốc và nhiều nước khác là có cơ sở. Và có thể Công ty Việt Á, hoặc Học viện Quân y (phối hợp) nghiên cứu ra công thức pha chế từ các hóa chất sinh phẩm này, để phù hợp với hệ thống máy PCR ở Việt Nam (rất kén các sinh phẩm hóa chất test).
Vấn đề nằm ở chỗ, nguyên liệu nhập mà Việt Á cùng Học viện Quân y chỉ “nghiên cứu công thức”, thì lại có sự nhập nhèm ngôn từ khi cơ quan chức năng dùng từ “nghiên cứu chế tạo”. Tại cuộc họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hồi tháng 3/2020, cơ quan chức năng công bố kit test Công ty Việt Á là một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia có tên đầy đủ là: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng, không có thêm nguồn tiền ngoài.
Đó là chưa nói việc Bộ Khoa học và Công nghệ công bố rầm rộ trên trang điện tử của mình là hàng “Made in Việt Nam”, tổ chức WHO công nhận, nhiều nước đặt hàng…, khiến người dân nghĩ là sản phẩm 100% Việt Nam.
Dữ liệu, logic cùng nghi vấn dư luận trên cho thấy, cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm rõ và xử lý như chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương mà cơ quan công an đang thực hiện: “làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của bất cứ cá nhân, tổ chức nào”.
Liên quan vụ mua bán kit test Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra mới đây đã khởi tố, bắt tạm giam Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang; Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh; Phan Thị Khánh Vân, kinh doanh tự do, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan vụ án xảy ra tại Việt Á.
Cơ quan công an xác định, ông Tuấn thông đồng, cấu kết với Phan Huy Văn và Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) và các đối tượng liên quan vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 do Việt Á sản xuất, tổng giá trị hơn 148 tỷ đồng. Ông Văn và bà Vân (chị ruột ông Văn) còn thỏa thuận nhận tổng cộng hơn 44 tỷ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng do Việt Á chuyển và Vân chi một phần cho ông Tuấn.
Như vậy, ở vụ án thổi giá nâng khống kit test Việt Á, tính tới thời điểm này, đã có tổng cộng 23 bị can. Trong đó có 3 người đương kim hoặc nguyên lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng 4 người là giám đốc CDC.