Như Đầu tư Bất động sản đã đưa tin, ngày 27/3/2014, phiên xét xử sơ thẩm vụ khách hàng kiện CTCP Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội - UAC (một công ty con của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC) đã phải hoãn trước yêu cầu giám định chữ ký và con dấu trên hợp đồng của phía bị đơn. Ngoài ra, việc hoãn phiên tòa cũng được phía Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng giải thích là để xác minh việc Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Phương Mai, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty UAC hay chưa.
Theo Luật sư Phạm Thành Tài, đại diện bảo vệ quyền lợi phía nguyên đơn, đây là một vụ kiện pháp nhân Công ty UAC. Bản thân khách hàng cũng chưa có đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Mai, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty UAC. Vì thế, nếu có một vụ án hình sự như Công ty UAC đang hướng đến, thì đây là hai vụ án độc lập, không có liên quan đến nhau. Việc cố tình trì hoãn giải quyết trách nhiệm đối với khách hàng của Công ty UAC đã khiến quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Bùi Quang Hưng, đại diện Văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng cho biết, trong vụ việc này, Công ty UAC dường như đang đẩy trách nhiệm của công ty cho cá nhân bà nguyên Chủ tịch HĐQT theo kiểu: “Bà Nguyễn Phương Mai nhận tiền thì bà Nguyễn Phương Mai tự chịu trách nhiệm”.
Cũng theo luật sư Hưng, việc Công ty UAC yêu cầu giám định chữ ký và con dấu trên hợp đồng là bởi khó có chuyện bà Mai làm giả cả chữ ký và con dấu khi vẫn đang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty UAC. Thậm chí, nếu bà Mai có làm giả cả con dấu và chữ ký thật, thì Công ty UAC cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ việc này.
Theo luật sư Hưng, sắp tới, rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố bà Mai. Song, đây sẽ là vụ án hình sự mà bị hại là Công ty UAC, hoàn toàn không liên quan đến vụ kiện pháp nhân Công ty UAC do khách hàng đang tiến hành.
Luật sư Phạm Phú Thắng, đại diện Công ty luật Đức Thành, thuộc đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, trong vụ tranh chấp này, việc khách hàng kiện pháp nhân Công ty UAC là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật. Bởi các khách hàng đã ký hợp đồng với người lãnh đạo cao nhất và cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty UAC, đã nộp tiền tại trụ sở Công ty UAC, với đầy đủ phiếu thu và các chữ ký của kế toán, thủ quỹ. Cho dù cả phiếu thu và các chữ ký trên phiếu thu là giả, thì đây cũng không phải lỗi của khách hàng. Việc nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc không nộp tiền cho Công ty UAC, cũng không phải lỗi của khách hàng, mà là lỗi quy trình quản lý làm việc của doanh nghiệp này có vấn đề, đã để cho một cá nhân “qua mặt” pháp nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Thắng, trong vụ việc này, Công ty UAC có thể tố cáo nguyên Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phương Mai về tội cố ý làm trái hay lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Song vụ án này và vụ kiện của khách hàng đối với Công ty UAC là hai vụ án độc lập. Giải quyết như thế mới phù hợp tinh thần của pháp luật.
Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến vụ kiện, luật sư Thắng nhận định, việc Công ty UAC muốn hướng vụ án sang hình sự, yêu cầu giám định cả chữ ký và con dấu trên hợp đồng để chứng minh bà Mai có ý định chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu nhằm thoái thác toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm dân sự đối với khách hàng. Khi ấy, trách nhiệm hình sự sẽ đặt ra với bà Nguyễn Phương Mai, cùng với trách nhiệm dân sự của bà Mai với nguyên đơn dân sự là các khách hàng.
“Đây rõ ràng là một tình huống khách hàng không muốn xảy ra, bởi như thế, việc đòi tiền của họ chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, luật sư Thắng nói.