Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) chia sẻ, hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh được thực hiện theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó VSD thực hiện chức năng bảo lãnh thanh toán cho thị trường.
VSD là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh theo mô hình CCP cho TTCK phái sinh, ông có thể cho biết cơ chế hoạt động của mô hình này?
Theo quy định, việc bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh theo mô hình CCP do VSD đảm nhiệm. Đây là cơ chế thanh toán có đảm bảo của VSD về nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các bên tham gia giao dịch, khác biệt so với cơ chế hiện nay tại thị trường cơ sở và phù hợp với tính chất vận hành của TTCK phái sinh.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD
Để chuẩn bị cho việc triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh theo cơ chế này, trong thời gian vừa qua, VSD đã tiến hành các công việc sau:
Về cơ chế hoạt động, ngay từ giai đoạn nghiên cứu triển khai ban đầu, VSD đã tổng kết các mô hình tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh của các thị trường quốc tế để có những đề xuất về chuyên môn với cơ quan quản lý trong quá trình xây dựng Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam, cũng như nghị định và các thông tư hướng dẫn về chứng khoán và TTCK phái sinh.
Dựa trên các khuôn khổ pháp lý này, VSD đã ban hành các quy chế hướng dẫn nghiệp vụ về bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh và công bố các thông tin phục vụ cho việc vận hành thị trường theo thẩm quyền, bao gồm giới hạn vị thế đối với hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hợp đồng tương lại chỉ số cổ phiếu VN30 và tỷ lệ nộp ký quỹ, đóng góp Quỹ bù trừ bằng tiền tối thiểu.
Như vậy, thông qua hoạt động thế vị, CCP sẽ trở thành chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán, đảm bảo việc thanh toán giao dịch ngay cả trong trường hợp một bên trong giao dịch ban đầu (giao dịch gốc) không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của mình.
Về chấp thuận thành viên bù trừ, cho đến nay, VSD đã cấp Giấy chứng nhận thành viên bù trừ cho 7 công ty chứng khoán, trong đó có 2 thành viên bù trừ chung là SSI, VNDS và 5 thành viên bù trừ trực tiếp gồm VPBS, HSC, MBS, VCSC, BSC.
Hiện nay, các thành viên bù trừ này đều xác nhận đã hoàn tất công tác chuẩn bị về mặt hệ thống, nhân lực, quy trình quản trị rủi ro và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với VSD, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và ngân hàng thanh toán để đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn, hiệu quả, đồng thời tiến hành tiếp nhận yêu cầu mở tài khoản của nhà đầu tư đối với việc tham gia TTCK phái sinh.
Về công tác đào tạo, tập huấn tuyên truyền, VSD đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ về bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh cho các công ty chứng khoán tham gia TTCK phái sinh giai đoạn đầu, đồng thời phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), HNX tiến hành đào tạo cho các thành viên thị trường và công chúng đầu tư có quan tâm thông qua nhiều hình thức như tổ chức hội thảo, trao đổi báo chí…
Như vậy, cơ chế bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh theo mô hình CCP sẽ giúp thị trường hoạt động an toàn, hạn chế rủi ro xảy ra?
Về khía cạnh đầu tư, với khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính cao, các sản phẩm phái sinh trở nên rất hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, bởi các công cụ tài chính phái sinh không chỉ cho phép nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro mà còn mang lại cơ hội đầu tư có tỷ lệ sinh lời rất cao.
Đối với nhà đầu tư Việt Nam, do chưa có kinh nghiệm thực tiễn về giao dịch sản phẩm phái sinh nên khả năng nhận diện và phòng ngừa rủi ro còn hạn chế, việc mất khả năng thanh toán có thể xảy ra nếu thiếu kỹ năng đầu tư và phương pháp quản lý rủi ro hợp lý.
Để đảm bảo thị trường được an toàn, hạn chế rủi ro có thể xảy ra, hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh được thực hiện theo cơ chế CCP, trong đó VSD thực hiện chức năng bảo lãnh thanh toán cho thị trường thông qua cơ chế thế vị để trở thành người mua của mọi người bán và người bán của mọi người mua.
Với cơ chế này, thành viên bù trừ sẽ có trách nhiệm trước VSD trong việc thực hiện thanh toán cho mọi giao dịch, vị thế đứng tên thành viên bù trừ, trong đó bao gồm giao dịch của nhà đầu tư.
Vì vậy, về phía thành viên bù trừ, điều cần lưu ý là trong quá trình vận hành cần cẩn trọng, kiểm soát chặt chẽ từ khâu lựa chọn nhà đầu tư, nộp/rút ký quỹ, thanh toán hàng ngày theo quy định và hướng dẫn của VSD, thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường để phối hợp với VSD, HNX nhằm đảo bảo cho TTCK phái sinh được vận hành an toàn và hiệu quả.
Về phía Bộ Tài chính, UBCK cũng đã có sự chỉ đạo sát sao, cụ thể về công tác phối hợp, giám sát thị trường giữa UBCK và Sở giao dịch chứng khoán, VSD để kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, ngăn ngừa rủi ro đối với thị trường.
Thực hiện chức năng bảo lãnh thanh toán cho thị trường, VSD có giải pháp gì để hạn chế rủi ro cho mình, thưa ông?
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như quy định pháp lý và hoạt động triển khai TTCK phái sinh tại Việt Nam, một số rủi ro chính mà VSD phải đối mặt trong thời gian tới có thể được nhận diện bao gồm rủi ro đối tác, rủi ro thanh khoản, rủi ro ngân hàng thanh toán và rủi ro hoạt động.
Tuy nhiên, với mỗi loại rủi ro được nhận diện nêu trên, VSD đã xây dựng được một hệ thống cơ chế quản lý, phòng ngừa rủi ro tương ứng theo hướng cố gắng định lượng và tham số hóa các yếu tố rủi ro để tận dụng được khả năng hỗ trợ của hệ thống.
Chẳng hạn, kiểm soát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ, giới hạn vị thế dựa trên kết quả tính toán của hệ thống theo thời gian thực, qua đó đảm bảo giảm thiểu tình trạng mất khả năng thanh toán của thị trường. Hiện tại, các cơ chế phòng ngừa và xử lý rủi ro của VSD đã hoàn tất, có thể giúp TTCK phái sinh hoạt động an toàn, thông suốt.
Việt Nam đưa TTCK phái sinh đi vào hoạt động có ý nghĩa như thế nào trong mối tương quan với các thị trường khác, thưa ông?
Khảo sát cho thấy, trong những năm qua, quy mô TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng không ngừng về chất và lượng. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 43,2% GDP năm 2016 và 56,4% GDP vào tháng 6/2017, gấp trên 3 lần so với năm 2010 và trên 2.000 lần so với năm 2000. Thị trường trái phiếu Chính phủ có tốc độ tăng bình quân 31%/năm.
Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK từ khi khai trương hoạt động đến nay đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng và huy động khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp, số lượng tài khoản giao dịch tính đến 30/6/2017 đạt gần 1,9 triệu tài khoản.
Số liệu trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của TTCK Việt Nam sau hơn 17 năm hoạt động, khẳng định vị thế vững chắc của TTCK trong nền kinh tế với vai trò tạo lập kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và Chính phủ; thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, các công cụ đầu tư chưa đa dạng, khả năng ứng phó với sự biến động không ngừng của các yếu tố kinh tế như tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa, giá chứng khoán... còn yếu. Vì vậy, việc xây dựng TTCK phái sinh là tất yếu, giúp đa dạng hóa kênh đầu tư và cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả.
Sau khi TTCK phái sinh ra đời, Việt Nam có một thị trường tài chính có cấu trúc hoàn chỉnh, bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro, qua đó không chỉ thúc đẩy nhanh hơn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gia tăng khả năng thu hút dòng vốn ngoại, khả năng nâng hạng thị trường, mà còn giúp cho thị trường tiếp cận và dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.