Nhà đầu tư nước ngoài đang có cái nhìn rất tích cực về triển vọng của thị trường bất động sản TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Nhà đầu tư nước ngoài đang có cái nhìn rất tích cực về triển vọng của thị trường bất động sản TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Vốn ngoại vào TP.HCM, bất động sản vẫn là “chỗ trũng“

(ĐTCK) Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào TP.HCM trong 5 tháng đầu năm 2019 và lượng lớn trong số đó vẫn chọn bất động sản là đích đến.

Thỏi nam châm bất động sản

Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, 5 tháng đầu năm 2019, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (FDI) và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được 2,77 tỷ USD (tăng 49% so với cùng kỳ).

Trong đó, các dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 451 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 472,16 triệu USD (tăng 22,6% số dự án cấp mới và tăng 9,2% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Trong đó, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố cấp 10 dự án, Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố cấp 1 dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 440 dự án.

Trong các lĩnh vực hút vốn FDI trong 5 tháng của Thành phố, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đăng ký nhiều nhất (chiếm 46,7% tổng vốn FDI đăng ký). Số vốn này đến từ những nhà đầu tư như British Virgin Islands có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 33%), Hàn Quốc (27,8%), Nhật Bản (17,2%), Singapore (5%).

Vốn ngoại vào TP.HCM, bất động sản vẫn là “chỗ trũng“ ảnh 1

Đa số dòng vốn ngoại rót vào thị trường bất động sản TP.HCM là thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Ảnh: Gia Huy

Đặc biệt, trong số các dự án được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 102 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 214,54 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), tăng 27,5% số dự án điều chỉnh và tăng 35,8% vốn đầu tư so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 5 tháng qua, Thành phố đã chấp thuận cho 1.719 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 2,08 tỷ USD (tăng 33,3% về số trường hợp và tăng 64,3% về vốn đầu tư so với cùng kỳ). Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản cũng là lĩnh vực có vốn đầu tư nhiều nhất (chiếm 23,7% tổng vốn đăng ký).

Có thể kể đến một số thương vụ tiêu biểu như vào tháng 5 vừa qua, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt đã nhận được khoản đầu tư 22,2 triệu USD từ Quỹ đầu tư Samty Asia
Investments Pte. Ltd (Công ty con trực thuộc Samty Corporation, Nhật Bản).

Hay trước đó là những thương vụ của nhà đầu tư Nhật Bản Nishi Nippon Railroad hợp tác với Nam Long thực hiện một loạt dự án như Fuji Residence, Kikyo Residence, Mizuki Park, Akira City... Tập đoàn Alpha King cũng đã thâu tóm một loạt dự án đất vàng tại trung tâm TP.HCM…

Đòn bẩy vốn cho doanh nghiệp địa ốc

Giới phân tích cho rằng, vốn ngoại đầu tư vào bất động sản TP.HCM hướng đến hai nhóm, trong đó vốn FDI chủ yếu hướng tới bất động sản công nghiệp, còn vốn theo hình thức góp vốn, mua cổ phần thường hướng tới các dự án nhà ở, bất động sản thương mại.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, các nhà đầu tư ngoại đang tăng mạnh vốn vào việc góp vốn, mua cổ phần… Đây là kênh đầu tư nhanh, không gặp nhiều rào cản pháp lý và có lợi cho cả 2 bên.

Phía doanh nghiệp bất động sản trong nước đang có quỹ đất thì cần lượng vốn lớn để phát triển dự án, nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng ngân hàng đang bị siết chặt. Còn phía doanh nghiệp ngoại thì rót vốn vào các dự án có sẵn quỹ đất sạch và pháp lý giúp gia nhập thị trường nhanh, hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện dự án (nhất là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, pháp lý triển khai…). Những nhà đầu tư đi trước đã có nhiều lợi nhuận từ việc góp vốn, mua cổ phần, nên càng tạo độ tin tưởng trong việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp Việt.

“Việc vốn ngoại chảy mạnh vào địa ốc là điều mừng cho ngành bất động sản, nhưng cũng lo cho những ngành khác. Bởi TP.HCM muốn thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thì hướng dòng vốn vào ngành chế biến, chế tạo, nhưng ngành này đang bị hụt hơi so với bất động sản trong việc hút vốn ngoại”, bà Hương nói.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường bất động sản TP.HCM là điều dễ hiểu, vì các nhà đầu tư ngoại đánh giá cao tiềm năng phát triển lớn của thị trường. Xu hướng này trong thời gian tới được dự báo sẽ còn gia tăng khi TP.HCM đang có kế hoạch phát triển khu công nghiệp mới rộng hơn 300 ha tại huyện Bình Chánh, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020.

Thêm vào đó, đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Thành phố điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất từ quy hoạch đất du lịch, di tích và danh thắng thành đất khu công viên khoa học và công nghệ.

Kiến nghị này nhằm thực hiện công tác phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công viên khoa học và công nghệ tại phường Long Phước, quận 9.

Đây là khu công nghệ cao thứ 2 của TP.HCM, sau Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đang hoạt động. Cả hai đều nằm trên địa bàn quận 9.

Với tổng diện tích khoảng 195 ha, khu vực quy hoạch được giới hạn bởi phía Đông giáp rạch Bà Nghiêm, rạch Ván; phía Tây giáp sông Tắc; phía Nam giáp sông Tắc, rạch Đỏ và rạch Bà Nghiêm và phía Bắc giáp sông Tắc.

“Với lượng dự án bất động sản công nghiệp lớn, đây sẽ là giải pháp giúp TP.HCM có thể hút những ngành nghề liên quan tới chế biến, sản xuất từ nước ngoài vào TP.HCM phát triển”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, tại buổi ký kết hợp tác đầu tư với Phát Đạt, ông Yasuhiro Ogawa, Tổng giám đốc Samty Corporation cho biết, Samty đã xác định Việt Nam là thị trường đầu tư nước ngoài quan trọng đối với doanh nghiệp, bởi thị trường bất động sản nơi đây đã tăng trưởng nhanh trong những năm vừa qua. Công ty hy vọng sẽ nắm bắt được tiềm năng và cơ hội tham gia đầu tư phát triển vào thị trường bất động sản Việt Nam, bởi thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

5 tháng đầu năm 2019, TP.HCM có 16.664 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 265.613 tỷ đồng (tăng 1% số lượng doanh nghiệp và tăng 43,2% về vốn đăng ký so cùng kỳ). Có 45.685 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 82.856 tỷ đồng.

Trong đó, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản được thành lập mới chiếm 7,3%. Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng là ngành chiếm tỷ trọng góp mới cao nhất, chiếm 36,7% tổng vốn đăng ký.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan