Dược phẩm xếp gần bét bảng
Tại Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20/7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: “Mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm, nhưng cần thẳng thắn thừa nhận rằng kết quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng”.
Vậy, điểm nghẽn nằm ở đâu? Từ góc độ của đơn vị thực thi chính sách thu hút đầu tư, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khoảng hơn 1 năm nay vắng bóng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành dược trong nước. Qua trao đổi với các đầu mối, Cục Đầu tư nước ngoài được biết các doanh nghiệp dược phẩm đều là tập đoàn đa quốc gia - đối tượng của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
“Các doanh nghiệp lớn đang xem xét phản ứng chính sách của các quốc gia trước khi có quyết định đầu tư”, ông Sử nói.
Tuy nhiên, mối lo ngại về thuế tối thiểu toàn cầu chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, còn tình trạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dược kém đã kéo dài nhiều năm. Theo đó, tính theo phân ngành, mảng dược phẩm, y tế chỉ thu hút được khoảng 5,5 tỷ USD, tương đương 1,3% tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, xếp gần bét bảng về thu hút vốn ngoại. Con số này càng đáng suy ngẫm hơn khi so sánh với con số hơn 1.000 tỷ USD mà các công ty dược phẩm sinh học trên toàn cầu dự kiến đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong giai đoạn 2020 - 2030.
Một số điểm nghẽn trong thu hút vốn ngoại vào ngành dược cũng được ông Sử chỉ ra. Đó là các cơ chế đặc thù của ngành dược, bao gồm khó khăn từ đấu thầu, kiểm soát dược phẩm, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm… Hay những rào cản xuất phát từ đặc thù phát triển của ngành dược, từ Nhà nước nắm 100% cho tới cổ phần hoá và cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia.
Nhiều kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn thu hút đầu tư vào ngành dược đã được đưa ra tại Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20/7/2023. |
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp trong nước, nhưng với doanh nghiệp có vốn Nhà nước thì quy trình rất phức tạp. Với doanh nghiệp tư nhân thì chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn theo lối quản trị gia đình, thiếu minh bạch.
Đó là chưa kể, vấn đề nguồn nhân lực, cụ thể là năng lực tiếp nhận, triển khai công nghệ trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ông Sử cho rằng, để hoạt động R&D thành công, mỗi doanh nghiệp dược phẩm, y tế đều cần đội ngũ nhân lực đủ chiều sâu, bề dày kinh nghiệm, bởi “băng dày ba thước không phải do tuyết rơi một đêm”. Dù doanh nghiệp FDI bơm vốn đầu tư vào máy móc thiết bị, nhưng thiếu lực lượng lao động thì vẫn không thể vận hành được.
Trong khi đó, theo GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội, “chúng ta có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào ngành dược nhưng chưa đủ, bởi vấn đề thực thi rất quan trọng”. Chẳng hạn, từ lúc lập dự án tới khi đầu tư có khi phải mất 5 năm, thời gian rất dài, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ muốn cơ chế thông thoáng hơn. Hoặc chưa có chương trình cho vay ưu đãi để đầu tư vào công nghệ cao trong lĩnh vực dược phẩm…
Cần tăng tốc trên cuộc đua hút vốn
Đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm, y tế trên quy mô toàn cầu đã tăng mạnh từ đại dịch Covid-19. Chỉ nhìn vào con số hơn 1.000 tỷ USD vốn đầu tư vào mảng R&D của các công ty dược phẩm sinh học trong thập niên 2020-2030 cũng thấy được điều đó. Cuộc đua thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên phạm vi toàn cầu cũng nóng hơn.
Nhận định việc thu hút vốn đầu tư vào ngành y dược mang lại nhiều lợi kinh tế - xã hội, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group khuyến nghị, các nước trong khu vực, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan đều đang thay đổi mạnh mẽ nhằm thu hút đầu tư từ ngành dược phẩm phát minh, Việt Nam cần ý thức được sự cạnh tranh đầu tư từ các quốc gia khác và đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư.
Theo Chủ tịch Pharma Group, một nghiên cứu toàn cầu cho thấy, có 10 yếu tố giúp quốc gia thành công trong thu hút chuyển giao công nghệ vào đất nước, bao gồm thể chế, ổn định chính trị, môi trường thân thiện với đổi mới sáng tạo, thị trường nội địa đủ lớn, lao động có tay nghề, thị trường tài chính phù hợp…
“Với các lợi thế cạnh tranh hiện tại của Việt Nam, việc tập trung cải cách thể chế để duy trì và phát triển một môi trường hoạt động mang tính khả thi và dự báo được sẽ là yếu tố tiên quyết để thu hút thêm vốn đầu tư vào ngành dược”, ông Emin Turan nói.
Theo ông Emin Turan, Việt Nam có thể thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đổi mới sáng tạo, giám sát việc xây dựng khung pháp lý và lộ trình thực hiện theo định hướng Nghị quyết 29/NQ-TW về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, thí điểm các ngành cụ thể đã được xác định là ngành ưu tiên tại Nghị quyết 29/NQ-TW như dược phẩm. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, phân tích các điểm nghẽn tồn tại trong chính sách và tháo gỡ những điểm nghẽn này.
Từ góc độ chuyên gia, ông Luke Treloar, Thành viên điều hành KPMG Việt Nam cho biết, Việt Nam cùng với các quốc gia lân cận có tính cạnh tranh cao và rất có động lực để trở thành một trung tâm khoa học đời sống.
Qua nghiên cứu của mình, KPMG xác định được ba lĩnh vực chính mà Việt Nam nên tập trung nghiên cứu để khai thác: Thứ nhất, nội địa hóa sản xuất khoa học đời sống; thứ hai, tiến hành số hóa cho toàn ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; thứ ba, tăng cường nội địa hóa hoạt động R&D vào Việt Nam và nên bắt đầu từ các thử nghiệm lâm sàng.
Từ việc phân tích sự phát triển của lĩnh vực dược phẩm tại các quốc gia, ông Luke Treloar chia sẻ, có thể chia các quốc gia thành 2 nhóm: Một là “tự lực tự cường”, có thị trường riêng như Trung Quốc, Nga, Brazil. Nhóm 2 là có lợi thế thu hút nguồn vốn FDI, dựa vào FDI để phát triển. Việt Nam ở nhóm 2, có dân số đông, được hưởng lợi từ các lợi ích đầu tư phát triển trên toàn cầu.
“Tôi nhận thấy có mối tương quan giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Singapore và Ireland trên hành trình phát triển lĩnh vực y dược. Khi ba quốc gia này bắt đầu xây dựng kế hoạch trở thành trung tâm khoa học công nghệ và phát triển y tế đời sống thì GDP đầu người của họ khá tương đồng với Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, mỗi quốc gia chọn một con đường riêng”, ông Luke Treloar nhận xét.
Cụ thể, theo ông Treloar, Singapore đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đầu tư cho hoạt động kinh doanh, mở rộng hệ thống dược phẩm. Hàn Quốc lại đi theo con đường xây dựng quan hệ đối tác công - tư, chính phủ xây dựng cơ chế công - tư cho phép ứng dụng thương mại các nghiên cứu, từ đó phát triển dược phẩm, làm giảm rủi ro giai đoạn đầu và nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng các phát minh khoa học dược phẩm trên thị trường.
Trong khi đó, Ireland đã đưa ra mức thuế thấp, cơ chế khuyến khích rất cao, tạo môi trường hấp dẫn để nội địa hoá phát triển ngành dược. Đầu tiên là miễn thuế để đăng ký công nghệ tại đây, nếu doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong phạm vi quốc gia và chuyển giao công nghệ thì càng được ưu đãi hơn nữa. Theo đó, họ nâng cao năng lực từ nhà máy gia công thành nhà máy sản xuất dược phẩm, từ bước đi chập chững ban đầu trở thành lĩnh vực mạnh.
“Việt Nam cũng có những thế mạnh đặc thù. Thứ nhất là sản xuất thuốc gốc và lợi dụng lợi thế chuyển giao công nghệ để từ gia công thành sản xuất sản phẩm phức tạp. Tiếp theo tới nghiên cứu và phát triển (R&D), chúng ta không thể thực hiện nghiên cứu dược phẩm phát minh ngay, phải xây dựng lợi thế của mình dần dần trong chuỗi giá trị toàn cầu từ các bước đi ban đầu, nâng cao năng lực chuyên gia y tế, phát triển nguồn nhân sự, từ đó nâng cao trình độ R&D. Đây là điểm cần tập trung. Ngoài ra, phải tìm giải pháp khơi thông tài chính và hỗ trợ”, ông Luke Treloar khuyến nghị.