Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tháng 5/2018, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) bán ròng mạnh trong một số phiên như các phiên 21/5 (436 tỷ đồng), 22/5 (596 tỷ đồng), 25/5 (508 tỷ đồng).
Tuy nhiên, dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng ở mức độ tương đối cao, đạt 615 triệu USD trong tháng 4 và 809 triệu USD trong tháng 5/2018.
Giá trị vốn ngoại chảy vào ròng lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/5/2018 đạt gần 2,35 tỷ USD (bằng 80% mức vào ròng của cả năm 2017) và cao hơn nhiều so với mức vào ròng năm 2016 (1,28 tỷ USD).
Diễn biến trên cho thấy, nhà ĐTNN vẫn đánh giá cao khả năng tăng trưởng trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, sẵn sàng giải ngân ở thời điểm phù hợp. Sau khi tăng mạnh trong quý I/2018, đạt mức cao nhất 1.204 điểm (9/4/2018), TTCK bắt đầu xu hướng điều chỉnh giảm. Đà giảm này có cùng diễn biến với nhiều TTCK quốc tế. TTCK thế giới từ Mỹ, châu Âu, châu Á đều đã điều chỉnh giảm từ tháng 1/2018, mức giảm phổ biến từ 7 - 10%.
Thông tin Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và khả năng Ngân hàng trung ương châu Âu cũng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến đã đẩy lợi tức trái phiếu của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 5 năm, chạm ngưỡng 3,06% vào ngày 22/5/2018. Từ đây, nhà ĐTNN bắt đầu có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi.
Cụ thể, vốn ngoại rút ròng trong tháng 5 (tính đến ngày 18/5) như sau: TTCK Malaysia (-625 triệu USD), Hàn Quốc (-853 triệu USD), Thái Lan (-703,4 triệu USD), Indonesia (-550 triệu USD), Phillipines (-105 triệu USD), Ấn Độ (-583 triệu USD), Đài Loan (-392 triệu USD)...
Tại Việt Nam, do TTCK đã tăng mạnh trong một thời gian dài, VN-Index năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 17% trong quý I/2018 nên nhiều nhà đầu tư có tâm lý chốt lời. Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, TTCK thế giới điều chỉnh giảm, nên tác động cộng hưởng càng lớn. Ở mặt bằng giá hiện tại, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam khoảng 17 lần, là mức thấp so với nhiều TTCK quốc tế.