Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Phòng phân tích CTCK Maybank Kim Eng nhận định.
Thị trường đang có những phiên giao dịch sôi động, VN-Index chốt giữ thành công ở ngưỡng 630 điểm. Ông có nhận định gì về xu hướng thị trường trong ngắn hạn?
Theo đánh giá của chúng tôi, thị trường mà cụ thể là chỉ số VN-Index đang nằm trong một xu hướng tăng trung hạn kéo dài từ tháng 5/2015 đến nay. Trong ngắn hạn hơn, sau hai phiên điều chỉnh giảm vào giữa tuần trước, VN-Index tiếp tục tăng mạnh và hiện đã vượt thành công mức đỉnh liền trước tại 633 điểm, qua đó xác nhận kết thúc đợt điều chỉnh ngắn hạn. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu VN-Index nằm trong vùng 645 - 650 vào cuối tuần này.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Phòng phân tích CTCK Maybank Kim Eng
Về thanh khoản, dù khối lượng giao dịch trong tuần qua có suy yếu hơn so với giai đoạn trước, nhưng nhìn chung vẫn nằm cao hơn mức trung bình 50 ngày để xác nhận dòng tiền tiếp tục trong pha mở rộng.
Tính đến hiện tại, chúng tôi chưa nhận thấy mối đe dọa nào về yếu tố thanh khoản đối với xu hướng tăng của giá. Hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index tại khu vực 613 điểm, các sự “rung lắc” có lẽ ít có khả năng đưa đường giá về dưới mức này.
Đâu là yếu tố tác động lên thị trường trong thời gian tới và yếu tố có tác động lớn nhất là gì, theo ông?
Cá nhân tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất có thể giúp thị trường đi lên trong giai đoạn tới chủ yếu vẫn sẽ liên quan đến sự cải thiện trong nội tại nền kinh tế Việt Nam hơn là do những tác động từ bên ngoài. Trong ngắn hạn, câu chuyện về “nới room” dành cho khối ngoại có lẽ vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường.
Không khó để nhận ra những cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất thời gian qua chính là những cổ phiếu đang được kỳ vọng nhiều về khả năng “nới room”. Kết quả mua ròng mạnh liên tục của khối nhà đầu tư nước ngoài cũng được thị trường đánh giá như sự “đón đầu” cho vấn đề này.
Về trung dài hạn, sự cải thiện của kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng nhất để đặt niềm tin vào sự đi lên của thị trường.
GDP 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng rất ấn tượng, với mức tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2014 và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ 2010 trở lại đây.
Theo lịch sử thống kê 6 năm trở lại đây, GDP thường có xu hướng tăng mạnh hơn vào 6 tháng cuối năm.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 6 đạt 52,2 điểm, mặc dù giảm so với tháng 5 (54,8 điểm), nhưng vẫn duy trì trên 50 điểm cho thấy, ngành sản xuất tiếp tục mở rộng.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 cũng cho tín hiệu khả quan với con số ước tính tăng 11,1% n/n. Tính chung 6 tháng đầu năm, IIP tăng 9,6% n/n, cao hơn so với một số năm gần đây.
Vậy hoạt động mua ròng của khối ngoại dự báo sẽ còn tiếp diễn bao lâu, theo ông?
Số liệu thống kê cho thấy, tính từ đầu năm 2015 đến nay, chỉ duy nhất ghi nhận hiện tượng bán ròng rõ rệt của khối ngoại vào tháng 3/2015. Những tháng còn lại, kết quả đều là mua ròng và giá trị mua ròng tính riêng trên HOSE đã lên mức gần 4.700 tỷ đồng.
Xét trong ngắn hạn, rất khó để trả lời chính xác về động thái của các nhà đầu tư nước ngoài. Dù vậy, có thể khẳng định, việc mua ròng chắc chắn sẽ là động thái chủ đạo của khối ngoại trong trung và dài hạn do dư địa phát triển của TTCK Việt Nam vẫn còn rất lớn, kết hợp thêm yếu tố “nới room” sẽ tạo ra sân chơi rộng và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
MBKE có khuyến nghị những nhóm cổ phiếu nhà đầu tư có thể quan tâm?
Nhìn lại diễn biến thị trường trong 6 tháng qua có thể thấy, nhóm ngân hàng đang giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Dù đã tăng khá mạnh thời gian qua, nhưng trong quý III, nhiều khả năng các cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ đảm nhiệm vai trò đầu tàu cho sự di chuyển của thị trường.
Bên cạnh đó, sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng sẽ khiến các công ty trong những ngành nghề có liên quan nhận được sự quan tâm lớn từ dòng tiền trên TTCK. Các nhóm ngành tiêu biểu là bất động sản, cơ sở hạ tầng và vật liệu xây dựng.
Chúng tôi cũng lưu ý nhà đầu tư dành sự quan tâm lớn hơn cho các cổ phiếu có thể hưởng lợi từ việc thực hiện nới room cho khối ngoại trong thời gian tới đây.