Về yếu tố tác động bên ngoài, việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định không tăng lãi suất lần này và nhiều khả năng sẽ không tăng trong cả năm nay khiến sức ép lên các thị trường mới nổi nói chung, Việt Nam nói riêng giảm đáng kể. Tuy nhiên, lo ngại tăng trưởng chậm của nền kinh tế thế giới, lợi suất trái phiếu giảm và các rủi ro địa chính trị lại củng cố sức mạnh của USD, khiến dòng tiền tiếp tục trú ẩn vào các kênh tài sản an toàn như trái phiếu.
Trong nước, tình hình vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, bất chấp việc tăng giá điện gây áp lực lên lạm phát, tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Theo đó, hiệu ứng bán tháo không diễn ra, cho dù VN-Index giảm trở lại vùng 980 điểm do áp lực bán gia tăng, trong khi sàn UPCoM tiếp tục đà tăng so với tuần giao dịch trước. Đáng chú ý, dòng tiền đầu cơ tiếp tục hoạt động khá mạnh trong tuần qua, cho dù đà tăng thị trường suy giảm.
Khối ngoại duy trì mua ròng liên tục từ đầu tháng 3/2019 đến nay, với hơn 1.300 tỷ đồng trên cả 3 sàn giao dịch. Lượng mua ròng chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và chứng chỉ quỹ E1VFVN30. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra lạc quan với xu hướng của thị trường, đặc biệt là sau khi Fed quyết định không tăng lãi suất, giúp tình hình tỷ giá ổn định hơn và giảm áp lực điều hành chính sách tiền tệ. Với diễn biến này, chúng tôi cho rằng, khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng trong quý II/2019.
Trong ngắn hạn, chúng tôi dự báo VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng giá 965-980 điểm cho đến khi thị trường có thông tin hỗ trợ đủ mạnh như thông tin về đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Thanh khoản có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong 1-2 tuần giao dịch tới do nhà đầu tư vẫn chưa quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, nếu VN-Index vượt được mức 997 điểm thì xu hướng tăng ngắn hạn có thể sẽ được xác lập trở lại.
Trong mùa Đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp, thị trường có thể sẽ diễn biến phân hóa. Khi thông tin về kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch kinh doanh 2019 dần lộ rõ, nhà đầu tư sẽ có bức tranh toàn cảnh hơn.
Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng thị trường được cho là đang hỗ trợ cho thị trường chung và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nói riêng. Được biết, trong kỳ cơ cấu tới của MSCI, dự kiến Argentina sẽ được đưa vào danh mục nhóm thị trường mới nổi trong tháng 05/2019, cho nên tỷ trọng tại thị trường Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên, kéo số thành phần cổ phiếu tăng theo. Chúng tôi đánh giá khả năng Việt Nam cũng sẽ được xem xét nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp trong năm 2020, sau khi Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi trong tháng 10/2019.
Trong trung hạn, chúng tôi vẫn đánh giá cao khả năng VN-Index duy trì được đà tăng. Do đó, các nhịp giảm ngắn hạn được xem là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu, với các nhóm ngành như ngân hàng, khu công nghiệp, nhiệt điện, dầu khí…
Ngoài ra, câu chuyện chuyển sàn của các cổ phiếu trên thị trường UPCoM cũng là câu chuyện đáng quan tâm trong giai đoạn hiện tại. Đồng thời, việc thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán được kỳ vọng sẽ thu hút mạnh hơn dòng vốn ngoại trong thời gian tới.