Vĩnh Phúc phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát triển ngày càng đúng hướng, các hợp tác xã ở Vĩnh Phúc đang ngày càng có nhiều đóng góp cho kinh tế địa phương và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Các hợp tác xã đang phát huy tốt vai trò phát triển kinh tế địa phương.

Các hợp tác xã đang phát huy tốt vai trò phát triển kinh tế địa phương.

Phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp

Đến hết 2020, Vĩnh Phúc có 239 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 128 hợp tác xã đang hoạt động, 111 hợp tác xã ngừng hoạt động chưa giải thể. Ước đến 31/12/2021, toàn tỉnh có 264 hợp tác xã, trong đó có 163 hợp tác xã đang hoạt động và 101 hợp tác xã ngừng hoạt động chưa thể giải thể.

Các hợp tác xã đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 83.000 lao động. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều hợp tác xã phát triển đúng hướng đã tác động tích cực, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Tổng doanh thu bình quân của một hợp tác xã đạt 980 triệu đồng/năm; lãi trung bình đạt 100 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân một thành viên, lao động của hợp tác xã đạt khoảng 30 triệu/năm.

Để các hợp tác xã nông nghiệp thực sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho khu vực kinh tế nông thôn và góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực của tỉnh và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Cùng với đó, Vĩnh Phúc sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên ngành cho thành viên hợp tác xã.

Tỉnh cũng sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học tham gia khởi nghiệp từ mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, vận động thành lập mới hợp tác xã nông nghiệp ở các địa bàn, lĩnh vực nông nghiệp mà các sản phẩm chủ lực còn ít hoặc chưa có hợp tác xã, phát triển quy mô thành viên trong các hợp tác xã, bảo đảm các địa bàn sản xuất nông nghiệp đều có hộ nông dân tham gia hợp tác xã.

Vĩnh Phúc đang phát huy tốt thế mạnh nông nghiệp. Ảnh: Internet.

Vĩnh Phúc đang phát huy tốt thế mạnh nông nghiệp. Ảnh: Internet.

Một trong những giải pháp được Vĩnh Phúc coi trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã đó là đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích nông nghiệp tập trung đất đai, cơ sở hạ tầng, xây dựng, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn; hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên.

Nâng cao đời sống xã viên

Ví dụ, với Hợp tác xã rau an toàn Thanh Hà, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 chủ yếu cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng cho bà con nông dân trong xã, giám sát quy trình sản xuất rau su su và hỗ trợ người dân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh việc thực hiện hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, lãnh đạo hợp tác xã còn tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Nhờ đó, sản phẩm rau su su đã vào được hệ thống Siêu thị Go!, CoopMart, một số cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, hợp tác xã còn phối hợp với Công ty TNHH Nông sản Hợp Thành đưa rau su su xuất sang Trung Quốc, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rau, bảo đảm thu nhập ổn định, tăng gấp nhiều lần so với trồng các loại cây khác.

Từ 24 thành viên khi mới thành lập, hiện Thanh Hà đã thu hút 34 thành viên tham gia với tổng diện tích 8 ha trồng su su. Với tổng sản lượng hằng năm đạt trên 12.000 tấn, mỗi sào trồng su su, người nông dân thu lãi khoảng 12 triệu đồng/năm.

Để bảo đảm an toàn và quy trình sản xuất, hợp tác xã bố trí một phó giám đốc kỹ thuật chỉ đạo sản xuất từ lúc trồng, chăm bón đến thu hoạch; thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất cho bà con nông dân. Nhờ đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, cho thu nhập cao.

Trường hợp khác là hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên có quy mô 3 thôn: Lý Nhân, Lý Hải, Dương Cốc với 6 tổ sản xuất, thu hút 635 hộ, gần 2.500 thành viên tham gia, đạt 100% số hộ trên địa bàn xã. Tổng diện tích của hợp tác xã gần 150 ha với 2 vụ lúa và 1 vụ cây Đông. Sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ chỗ chỉ làm những dịch vụ công truyền thống như tu sửa đường giao thông nội đồng, bảo vệ đồng ruộng, đến nay, Nhân Lý đã mở rộng thêm nhiều khâu dịch vụ khác như: dịch vụ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, làm đất, dịch vụ bảo vệ môi trường… góp phần mang lại lợi nhuận cho hợp tác xã và phục vụ tốt hơn nhu cầu của các thành viên.

Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiện hợp tác xã có 35 mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với 25 mô hình các loại giống cây trồng chất lượng cao; 7 mô hình phân bón và các mô hình khác như: xử lý gốc rạ, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và cơ giới hóa khép kín.

Ngoài ra, hợp tác xã còn xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa các mô hình chuyển đổi giống cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như: lúa chất lượng cao, hoa cúc, hoa hồng, ớt, khoai tây, ngô biến đổi gen, ngô ngọt Thái Lan, ngô Singenta, đỗ tương DT26…

Tin bài liên quan