Thời gian qua, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tác động đến nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu đến ứng dụng vào cuộc sống. Năm 2022, toàn tỉnh có 140 hồ sơ đăng ký và có 74 sáng kiến lĩnh vực giáo dục và đào tạo được cấp giấy chứng nhận. Sở KH&CN đã hướng dẫn triển khai và tiếp nhận 10 hồ sơ sáng kiến lĩnh vực KT - XH.
Các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất tiếp tục được triển khai.
Hiện, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ KH&CN phê duyệt đặt hàng 3 dự án thuộc Trung ương quản lý bắt đầu thực hiện từ năm 2023, gồm: Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu địa liền và sâm báo theo tiêu chuẩn GACP - WHO tại tỉnh; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất sen theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh và ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi lợn bản địa theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học tại tỉnh.
Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở KH&CN nghiên cứu chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về “Quy định chính sách đặc thù hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030”. Đây là tiền đề quan trọng nhằm tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Là một trong những DN hoạt động trong ngành thực phẩm, Công ty cổ phần Ong Tam Đảo - Honeco (Bình Xuyên) hiện có trên 40 sản phẩm được chế biến sâu từ mật ong kết hợp với thảo dược, nông sản và hoa quả như mật ong tinh chất nghệ Tacumin, mật ong curcumin, mật ong quất Tam Đảo, mật ong chanh leo, mật ong quất gừng sả…
Khoa học công nghệ giúp nhà nông làm giàu trên đồng ruộng. |
Với triết lý kinh doanh “Chất lượng sản phẩm là sinh mệnh của công ty”, DN đã áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cao cấp về hệ thống an toàn thực phẩm FSSC 22000 vào quá trình sản xuất nhằm khẳng định chất lượng và tính an toàn của sản phẩm khi lưu thông trên thị trường.
Nhiều năm liền, các sản phẩm của Honeco được vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc; một số sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Qua đó, dần khẳng định giá trị cho thương hiệu mật ong Tam Đảo trên thị trường.
Đặc biệt, 4 sản phẩm của Honeco, gồm Tacumin, mật ong Curcumin, mật ong quất và mật ong chanh leo vừa qua đã có mặt trên các kệ thuộc chuỗi siêu thị HAO Mart (Singapore), ban đầu nhận được phản ứng tích cực từ phía người tiêu dùng nơi đây.
Được biết, HAO Mart hiện nằm trong top các nhà bán lẻ hàng đầu tại Singapore, phân phối hơn 70.000 sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhập khẩu từ 43 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là cơ hội lớn để DN quảng bá, mở rộng tầm ảnh hưởng sang thị trường nước ngoài.
Các dự án được nhân rộng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của người dân về KH&CN, trở thành cầu nối đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào khu vực nông thôn, miền núi. Đồng thời, giải quyết được ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, miền núi so với phương pháp canh tác thông thường.
Thời gian tới, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục chú trọng các hoạt động hỗ trợ DN, tổ chức, cá nhân tăng cường năng lực nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao, đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ.
Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các DN, tổ chức, cá nhân; khuyến khích hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa DN nhỏ và vừa với các DN FDI.
Qua đó, giúp các DN, tổ chức, cá nhân có cơ hội đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, hình thành một số nghề mới, góp phần khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.