Theo Quyết định số 4403/QĐ – BGTVT phê duyệt kết quả sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 của Vietnam Airlines vừa được Bộ GTVT phê duyệt, hãng hàng không quốc gia sẽ có sự thay đổi rất lớn cả về quy mô và hiệu quả kinh doanh.
Thay đổi đầu tiên dễ nhận thấy nhất là quy mô, cơ cấu đội tàu bay của Vietnam Airlines. Theo đó, đến năm 2020, Vietnam Airlines sẽ sở hữu hoặc thuê lên tới 120 chiếc so với 93 chiếc tính đến 31/12/2015, trong đó có 32 máy bay thân rộng chở từ 280 – 300 ghế; 82 tàu bay 150 – 180 ghế và 6 tàu bay loại 70 ghế.
Mặc dù không nói rõ chủng loại tàu bay, đặc biệt là đội tàu bay thân rộng hai lối đi nhưng theo quyết định của Bộ GTVT, Vietnam Airlines chắn chắn sẽ thực hiện 2 dự án mua sắm máy bay trị giá hơn 75.000 tỷ đồng, gồm 10 Airbus A350 (hợp đồng ký năm 2007) và 8 Boeing 787 - 9.
“Quy mô, cơ cấu đội tàu bày này nhằm phù hợp với định hướng phát triển mạng đường bay, cân đối với năng lực của kết cấu hạ tầng sân bay và các lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ đồng bộ; đủ về số lượng, chủng loại để đảm bảo tần suất bay, tải cung ứng theo yêu cầu thị trường và chiến lược phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.
Được biết, Vietnam Airlines vẫn được Bộ chủ quản yêu cầu bám sát với các mục tiêu được phê duyệt trong giai đoạn trước cũng như trong chiến lược công bố khi chuyển sang thực hiện theo mô hình công ty cổ phần.
Cụ thể, ngoài việc duy trì vị thế là hãng hàng không quốc gia, đóng vai trò chủ đạo trong giao thông hàng không Việt Nam với các dịch vụ đồng bộ, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo dưỡng và đào tạo chuyên ngành tiên tiến, là cầu nối quan hệ quốc tế, Vietnam Airlines hướng tới trở thành hãng hàng không có tầm cỡ tại khu vực Đông Nam Á và giữ vị thế chi phối trong khu vực Tiểu vùng CLMV (Cam-pu-chia, Lào, Myanma, Việt Nam).
Trong khi đó, mạng đường bay của Tổng công ty được xây dựng theo mô hình “Trục - Nan” với tần suất khai thác ngày càng cao, tập trung quy hoạch nối chuyến qua sân bay cửa ngõ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm từng bước xây dựng TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội trở thành trung tâm trung chuyển hàng không khu vực, tham gia khai thác các luồng khách lớn trong khu vực, cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm trung chuyển lớn như Hong Kong, Bangkok, Singapor, Kuala Lumpur.
“Mạng đường bay này sẽ phát huy lợi thế vốn có và phù hợp với mong muốn của một hãng hàng không lớn bậc nhất Nhật Bản đang quan tâm tới việc trở thành đối tác chiến lược của Vietnam Airlines”, một chuyên gia cho biết.
Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ từng bước xây dựng sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh thành các trung tâm bổ trợ cho 2 trung tâm chính là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Được biết, theo kế hoạch đề ra, sản lượng vận chuyển của Tổng công ty (đã bao gồm công ty bay dịch vụ) giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt khoảng 122,6 triệu lượt khách và 1,4 triệu tấn hàng hóa.
Trong giai đoạn này, Vietnam Airlines sẽ vẫn duy trì thị phần vận tải hành khách bình quân dao động từ 45,4% - 46,2%; thị phần vận tải hàng hóa bình quân dạo động từ 22,4% - 25,1%.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Vietnam Airlines sẽ phải duy trì tốc độ tăng trưởng vận chuyển hành khách bình quân là 11,5%/năm, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 79,1%, vận chuyển hàng hóa bình quân là 8,7%/năm
Liên quan đến các chỉ tiêu tài chính, những con số đang được các cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng soi kỹ, doanh thu Công ty mẹ - Tổng công ty được Bộ GTVT “chốt” tốc độ tăng trưởng bình quân của hãng khoảng 14%/năm. Đây là tốc độ tăng trưởng cần thiết để Vietnam Airlines có thể cán mốc doanh thu 110.024 tỷ đồng trong năm 2020. Tính chung cho cả giai đoạn, doanh thu toàn tổng công ty đạt 593.947 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty đạt 15.291 đồng, trong đó Công ty mẹ - Tổng công ty giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10.528 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giai đoạn đạt 8.962 tỷ đồng, nộp ngân sách Công ty mẹ - Tổng công ty giai đoạn 2016-2020 đạt 4.589 tỷ đồng.
Cho đến cuối năm 2020, chỉ số lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu - ROE sẽ đạt 9,51%, tăng gấp đôi so với năm khởi đầu kế hoạch 5 năm (2016 là 4,47%). Đây cũng là chỉ số ROE trong lĩnh vực hàng không được đánh giá là rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Được biết, ngay trong năm đầu tiên chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Vietnam Airlines bội thu các kỷ lục về lượng khách chuyên chở, tổng doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế.
Tính đến ngày 30/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines), đã vận chuyển gần 17,4 triệu lượt khách, vượt 4,8% kế hoạch năm 2015; thực hiện hơn 127.500 chuyến bay an toàn, vượt 3,5% so với kế hoạch. Tổng doanh thu hợp nhất của Tổng công ty năm 2015 ước đạt hơn 69,3 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 1,4 ngàn tỷ đồng, tăng 194% so với năm 2014, nộp ngân sách nhà nước hơn 4,4 ngàn tỷ đồng.
Đây là là các chỉ tiêu đạt được cao nhất từ trước đến nay của hãng hàng không quốc gia.
Năm 2015 cũng chứng kiến việc Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Châu Á cùng lúc đưa vào khai thác 2 loại máy bay thế hệ mới, hiện đại nhất của thế giới là Boeing 787 – 9 và Airbus A350 – 900; nâng cấp tổng thể chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao.
“Những động thái cải tiến mạnh mẽ, không ngừng nghỉ nói trên sẽ tạo tiền đề để hãng hàng không quốc gia giữ vững vị thế số 1 tại thị trường nội địa; vươn lên sánh ngang các hãng hàng không lớn tại Châu Á cả về quy mô và chất lượng dịch vụ trong ít năm nữa”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá.
Theo ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, kế hoạch sản lượng khách vận chuyển năm 2016 của Tổng công ty là 19,2 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với ước thực hiện 2015. Tổng doanh thu hợp nhất đạt trên 77,7 ngàn tỷ, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 2,2 ngàn tỷ, nộp ngân sách 4,5 ngàn tỷ.
“Vietnam Airlines phấn đấu không có doanh nghiệp nào trong Tổng công ty để xảy ra thua lỗ”, ông Thanh cho biết.
Hiện ngoài hãng hàng không quốc gia, Tổng công ty đang có vốn góp tại Jetstar Pacific, K9, Cambodia Angkor Air. Đối với VASCO – đơn vị hạch toán phụ thuộc sẽ được Vietnam Airlines chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần ngay trong năm 2016 với cổ đông cùng góp vốn được xác định là Techcombank.
Theo thông tin riêng của chúng tôi, hiện Vietnam Airlines đã cơ bản kết thúc quá trình đàm phán bán chiến lược với nhà đầu tư từ Nhật Bản. Nếu không có gì thay đổi, Tổng công ty và nhà đầu tư chiến lược tiềm năng này sẽ ký kết và công bố biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược vào tháng 1/2016.