Dấu hiệu đặc biệt
Trước khi trình bày 5 khuyến nghị lớn cần ưu tiên cải cách thể chế kinh tế mà các đối tác phát triển đã cân nhắc gửi tới Chính phủ Việt Nam, ông Layton Pike, Phó đại sứ Australia tại Việt Nam đã nhắc tới điểm đặc biệt nhất của VDPF 2015.
“Cơ chế đối thoại thẳng thắn giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển về chủ đề thể chế thị trường là một sáng kiến thể chế quan trọng và là một dấu hiệu tiến bộ của Việt Nam về sự mở cửa không chỉ trong nền kinh tế mà còn rộng hơn”, ông Layton Pike phát biểu trong tư thế là đại diện cho các đối tác phát triển Việt Nam.
Một cách công bằng, các khuyến nghị không mới vẫn xoay quanh các nội dung về cải thiện tự do kinh doanh, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao quản trị quốc gia và thể chế... song bối cảnh của các khuyến nghị này đã hoàn toàn khác. Thậm chí, ngay cả yêu cầu chuyển sang một nền kinh tế thị trường thực thụ cũng đang chứa đựng thêm những yêu cầu mới.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đồng chủ tọa VPDF 2015, khi tóm lược lại các kiến nghị cũng nhấn mạnh, thách thức mà các đối tác phát triển đã nhận diện cho Việt Nam không chỉ dừng lại ở các cam kết chủ động hội nhập của Việt Nam, mà còn từ những biến động tới đây của khung phát triển toàn cầu.
Nghĩa là việc chủ động thực hiện các giải pháp không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của người cam kết, mà còn là thành viên của một chương trình nghị sự đầy táo bạo và mang tính cách mạng của Liên hợp quốc cho giai đoạn sau năm 2015 trong Mục tiêu Phát triển bền vững. Mục tiêu là sự thành vượng hơn của Việt Nam phải đi kèm với nguyên tắc không bỏ ai lại phía sau.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh tới vị trí của Việt Nam, làm sao để tận dụng được các cơ hội này. Thông điệp của chúng tôi là dù với mục tiêu hội nhập hay phát triển bền vững, điều Việt Nam cần làm vào lúc này vẫn là tăng cường cải cách, quyết tâm thực hiện các cải cách, các mục tiêu đã đề ra”, bà Kwakwa nhấn mạnh.
Việt Nam không đứng một mình
Cũng phải nói thêm, trước đó, trong bài phát biểu dẫn đề, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã phát đi thông điệp đề nghị các nhà tài trợ, các đối tác phát triển của Việt Nam thẳng thắn thảo luận những điều làm được, chưa làm được, nhất là các mục tiêu giải pháp cho giai đoạn tới để bổ sung, cập nhật vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam.
Đây không phải lần đầu, Chính phủ Việt Nam tham vấn về chủ đề này, nhưng lần này, ông Vinh khẳng định thông điệp rất quan trọng, đó là Việt Nam không thể đứng một mình, ngoài thế giới.
“Việt Nam đã chủ động hội nhập, xác định được thách thức phải cạnh tranh để phát triển. Hội nhập không chỉ để mở rộng thị trường, thu hút FDI, mà thúc đẩy yêu cầu Việt Nam phải tạo ra sân chơi theo cam kết quốc tế, phải sửa đổi luật pháp theo các cam kết, để Việt Nam hòa nhập cả về thị trường và thể chế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ quan điểm khi nhận được những khuyến nghị mà Bộ trưởng đã xác định là sẽ đóng góp quan trọng vào giai đoạn phát triển tới đây của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi phản hồi các ý kiến, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhấn mạnh tới điểm yếu của Việt Nam, nhất là vị thế của nước kém phát triển nhất trong TPP, vị thế của một nước đang trong giai đoạn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
“Chính vì chuyển từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường mà Việt Nam có được thành tựu kinh tế hiện tại. Nhưng vẫn còn một số nhân tố thị trường mà Việt Nam phải hoàn thiện như thị trường đất đai, công nghệ, lao động... Mục tiêu của Việt Nam là làm sao để nguyên tắc thị trường thành điều tiết, phân phối toàn bộ nguồn lực của đất nước, theo nguyên tắc ai sử dụng hiệu quả thì được sử dụng. Tất nhiên, sẽ cần có thời gian, song chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ”, Bộ trưởng Vinh cam kết và đề nghị các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
“Vấn đề lớn vẫn là biến chủ trương, đường lối thành hiện thực. Chúng tôi là các bộ tham mưu cho Chính phủ, sẽ cùng nhau xây dựïng chính sách, cải thiện thể chế kinh tế, hệ thống pháp lý, xây dựng nhà nước pháp quyền, để mỗi người dân Việt Nam đều được quan tâm và không bị tụt lại phía sau. Trong điều kiện hội nhập, Việt Nam sẽ làm tốt hơn”, ông Vinh nói.
Ý kiến - Nhận định
Chúng tôi quyết tâm sẽ vượt lên và cần sự ủng hộ của các bạn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Chúng tôi cũng nhận thức được con đường sắp tới có nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng thách thức không nhỏ. Về khách quan, đó là sự phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn của kinh tế thế giới. Tình hình phức tạp, căng thẳng, khó lường ở ngay trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam phát triển chưa thật bền vững, sức cạnh tranh và năng suất lao động còn thấp... Chúng tôi quyết tâm sẽ vượt lên và cần sự ủng hộ của các bạn, nhất là khi tham vọng của chúng tôi 5 năm tới cao hơn 5 năm vừa qua.
Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi nhất quán thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường và xây dụng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; huy động các nguồn lực cho phát triển, nhất là tư nhân trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Nhóm giải pháp thứ nhất là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm vững chắc hơn các cân đối lớn của nền kinh tế để đảm bảo thực hiện được tăng trưởng 6,5-7% trong 5 năm tới trên nền ổn định. Hai là hoàn thiện thể chế kinh tế, đảm bảo hiện đại hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với kinh tế thị trường, đảm bảo kinh tế thị trường vận hành hiệu quả. Ba là chủ động hội nhập hiệu quả kinh tế
quốc tế...
Khi cơ chế thị trường được thực hiện đầy đủ, hiệu quả, thì vốn từ 92 triệu dân trong nước, 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và từ các bạn bè quốc tế sẽ đến Việt Nam, từ đó sẽ có nguồn lực để phát triển.
Chúng tôi phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, môi trường để hội nhập kinh tế và huy động được nguồn lực từ bên ngoài vào đầu tư, phát triển thương mại, du lịch ở Việt Nam. Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế bên cạnh nguồn nội lực.
TPP sẽ mang tới nhiều rủi ro nếu không có triển khai và cam kết cẩn trọng.
Ông David Devine, Đại sứ Canada tại Việt Nam
TPP cũng sẽ mang tới nhiều rủi ro và nếu như không có triển khai và cam kết cẩn trọng, Việt Nam có thể đánh mất nhiều lợi ích. Bên cạnh việc giảm thuế xuất và hàng hóa thương mại, các công cụ giảm rào cản đối với thương mại dịch vụ và các biện pháp phi thuế quan, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cũng như việc giảm thiểu vai trò của doanh nghiệp nhà nước với thị trường được coi là cơ sở tốt, tạo điều kiện cho cải cách cơ cấu và thể chế ở Việt Nam, bao gồm cải cách đất đai, được coi như một yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực này.
Công việc này đòi hỏi các cải cách khó khăn nhưng cần thiết, các nỗ lực lâu dài nhằm hiện đại hóa và hợp lý hóa môi trường pháp lý cho thương mại và phát triển khu vực tư nhân.
Việt Nam cần những giải pháp táo bạo và toàn diện để cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia
Ông Layton Pike, Phó đại sứ Australia tại Việt Nam
Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu, sức cạnh tranh đang tăng lên, đòi hỏi những giải pháp táo bạo và toàn diện để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
5 vấn đề cần làm là cải thiện tự do kinh tế và nuôi dưỡng khu vực tư nhân; xây dựng và thực hiện một chiến lược cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước; tăng cường chính sách cạnh tranh và thực thi pháp luật; cải thiện chất lượng quản trị và thể chế, đảm bảo tăng trưởng công bằng và bao dung bằng cách nâng cao vai trò của tổ chức cộng đồng và xã hội dân sự.