Việt Nam là địa chỉ làm ăn của hơn 300 doanh nghiệp Đức hoạt động trong nhiều lĩnh vực
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận định: “Việt Nam và Đức sẽ được hưởng những cơ hội rất lớn khi EVFTA được ký kết vào cuối năm nay. Hiệp định sẽ tạo điều kiện hợp tác trong các lĩnh vực, đặc biệt là giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước”.
CHLB Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU). Đức cũng là một trong các nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và là một cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng Việt Nam sang các thị trường khác trong EU.
Trong những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều luôn tăng trưởng và Việt Nam liên tục ở thế xuất siêu. Nhiều hàng hóa của Việt Nam đã vào thị trường Đức và có vị trí vững chắc ở thị trường này như các mặt hàng thủy sản, dệt may, cà phê, nhựa, da giày, dây và cáp điện tử.
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 năm trở lại đây, Đức luôn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, đồng thời là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam sau Mỹ. VASEP cũng dự báo nhu cầu của Đức cho các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp, sẽ tiếp tục tăng lên cùng với nhu cầu về các loại trái cây tươi của Việt Nam như chuối, xoài, cam...
Việt Nam nhập khẩu từ Đức những mặt hàng như máy móc thiết bị, hóa chất, sản phẩm công nghệ cao… Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có sự hiện diện ở Đức, trong đó có FPT, VietinBank đã tạo cơ sở thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn tại Đức.
Theo ông Benno Bunse, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Germany Trade & Invest (GTal), CHLB Đức là quốc gia tích cực và đi đầu ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ, hợp tác toàn diện với EU, thúc đẩy EU sớm kết thúc đàm phán, ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Chắc chắn trong tương lai gần, sau khi EVFTA chính thức được ký kết, cùng với vai trò “đầu tàu” trong quan hệ thương mại EU - Việt Nam lâu nay, quan hệ Việt Đức sẽ có những bước bứt phá tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của mỗi bên.
Theo cam kết của hiệp định này, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Ông Benno cũng nhấn mạnh về sự phát triển kinh tế Việt Nam sẽ kéo theo sự tăng trưởng về thương mại, đặt biệt là với Đức. Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp, như vậy rất cần phải đầu tư vào các ngành công nghiệp để tiến hành hiện đại hóa, do đó phải nhập khẩu nhiều máy móc hơn. Trong khi đó, Đức là một quốc gia hàng đầu thế giới trong việc cung cấp máy móc hiện đại. “Tôi tin rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ chọn máy móc và thiết bị của Đức”, ông Benno nói.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2006, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt 2,36 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,445 tỷ USD, nhập khẩu 914 triệu USD. Đến năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đã là 5,54 tỷ USD (tăng 2,3 lần so với năm 2006), trong đó Việt Nam xuất 3,37 tỷ USD, tăng 41,9% so với năm trước. Nhắc lại những dấu mốc đó đủ để thấy rằng, 4 năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, quan hệ thương mại Đức - Việt Nam đã có bước tiến dài, năm 2014 tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước. Dự kiến năm 2015, tổng kim ngạch 2 bên sẽ tăng 10% so với năm 2014.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, Việt Nam và Đức đã ký kết một số thỏa thuận về tránh đánh thuế hai lần, khuyến khích đầu tư, bảo vệ và hợp tác hàng hải và hàng không, nhằm tạo ra một nền tảng pháp lỹ vững chắc cho quan hệ kinh tế rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, thị trường Đức cũng như thị trường các nước châu Âu khác, rất nghiêm ngặt về chất lượng và công khai minh bạch. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với Đức cần hết sức chú ý tới vấn đề chất lượng. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của Đức thì việc thâm nhập các thị trường khác ở châu Âu là trong tầm tay.
"Siemens tìm thấy nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam"
Ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Công ty Siemens Việt Nam
Theo nhận định mới của Ngân hàng Phát triển châu Á, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững, với mức dự báo 6,5% cho năm nay, cao hơn mức 6,1% mà ADB đưa ra hồi đầu năm. Chỉ số Môi trường kinh doanh Việt Nam của EuroCham cũng chỉ ra rằng, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu trong làm ăn tại Việt Nam đã tăng. Việt Nam sẽ trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Là nhà cung cấp các giải pháp công nghệ kết cấu hạ tầng hàng đầu thế giới, Siemens tìm thấy nhiều cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn, Siemens có thể hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề về điện thông qua việc cung cấp các tua-bin khí hiệu suất cao cho các nhà máy điện một cách hiệu quả. Chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và kinh doanh, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và đáng tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
"OSRAM cam kết đồng hành với sự lớn mạnh của Việt Nam"
Ông Đỗ Hữu Hậu, Tổng giám đốc Công ty OSRAM OPL/Việt Nam
Việt Nam là nền kinh tế có mức tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Chính phủ Việt Nam đang coi cải thiện kết cấu hạ tầng là một trong những ưu tiên lớn, tập trung vào phát triển các dự án lớn như đường cao tốc, cảng biển và các khu công nghiệp.
Năm 2015 là năm thành công nhất của OSRAM trong chặng đường hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam. OSRAM Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng lớn nhất tại châu Á vào năm nay. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tăng trưởng của thị trường Việt Nam và đang định hình công nghệ chiếu sáng LED tại đây. Chúng tôi đang xem xét lại chính sách giá cho thị trường Việt Nam nhằm đưa ra mức giá phù hợp, với các sản phẩm chiếu sáng công nghệ cao.
Hy vọng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hải quan và chính sách thương mại. Chúng tôi tin tưởng và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với sự lớn mạnh của Việt Nam, với nhiều dự án chiếu sáng hiệu quả của OSRAM.
"Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng thắt chặt"
Ông Petrus Ng, Giám đốc điều hành Công ty BASF Việt Nam
Là một công ty châu Âu, chúng tôi tin tưởng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ có tác động tích cực đến sự tăng trưởng cũng như tạo ra cơ hội hợp tác kinh doanh sâu rộng hơn cho các doanh nghiệp như BASF. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, 65% mặt hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được miễn thuế và kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng gấp đôi. Trong vòng 10 năm tiếp theo tại Việt Nam và 7 năm tại châu Âu, 99% dòng thuế xuất nhập khẩu giữa hai bên sẽ được xoá bỏ.
Bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan như thủ tục hải quan, quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp tạo ra dòng chảy hàng hóa đơn giản hơn và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Mối quan hệ song phương giữa Đức và Việt Nam có giá trị đặc biệt. Là công ty hóa chất hàng đầu thế giới, BASF sẽ tiếp tục giúp khách hàng trong mọi lĩnh vực ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay và tương lai. BASF đã hoạt động tích cực tại Việt hơn 21 năm qua và chúng tôi rất phấn khởi khi chứng kiến mối quan hệ hai nước ngày càng thắt chặt.