Thiếu “bài” giữ chân người tài
Thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán ra đời và tung ra các “chiêu” hấp dẫn, lôi kéo nhân viên tài năng đến “bến đỗ” mới khiến ngành này diễn ra những cuộc “vùng vẫy”, xáo trộn rất lớn về nhân lực. Các doanh nghiệp (DN) ngành công nghệ thông tin mới đây cũng phải lo lắng thốt lên rằng, nhân lực của họ có thể bị các công ty nước ngoài “giành giật” thực sự chứ không chỉ còn là cảnh báo! Chuyện “mắt trước mắt sau đã mất nhân lực giỏi” của hai ngành thuộc diện “nóng” nhất hiện nay một mặt cho thấy tình trạng thiếu nhân lực giỏi, mặt khác cũng để lộ ra lỗ hổng lớn của nhiều DN Việt Nam là không có “bài” căn bản nào để giữ chân người lao động, đặc biệt là nhân lực giỏi.
Trên thực tế, bài toán giữ chân nhân lực giỏi đã nhiều lần được các DN ngồi lại với nhau tìm lời giải, chỉ có điều không hẳn cho ra cùng một đáp số. Có DN khẳng định, lương cao là yếu tố đầu tiên để giữ chân người tài ở lại, cống hiến cho DN. Còn bà Vi Hằng, Trợ lý Tổng giám đốc Tập đoàn Dược phẩm Viễn Đông lại cho rằng, văn hoá DN mới là giá trị cốt lõi để thu hút và giữ chân người tài.
“Chúng tôi cho rằng, lương cao là yếu tố quan trọng để nhân viên yên tâm làm việc, không bất mãn chứ không phải là yếu tố để giữ chân người tài. Nếu họ ở lại chỉ vì lương cao thì cũng sẵn sàng ra đi khi chỗ khác trả lương cao hơn. Văn hoá DN mới là nền tảng căn bản để DN thu hút người lao động và người lao động gắn bó với DN”, bà Hằng tự tin khẳng định.
“Văn hoá DN lấy dịch vụ khách hàng làm trung tâm”
Người sáng lập, đồng thời là Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Viễn Đông - ông Lê Văn Dũng đã xác định ngay từ khi Viễn Đông mới thành lập rằng, phải tạo được nét riêng biệt thì DN mới có thể cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh việc liên tục khuyến khích tính tích cực công tác, ý chí không ngừng tiến thủ, sự tín nhiệm của nhân viên, Viễn Đông còn đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Với quan điểm “không đợi người ta giỏi rồi mới tìm cách giữ mà phải bắt đầu ngay từ khi tuyển dụng”, Viễn Đông luôn coi mỗi ứng viên thực sự là “khách hàng” của Tập đoàn. “Nhiều lần, đích thân Tổng giám đốc Lê Văn Dũng ngồi phỏng vấn ứng viên, họ đều rất ấn tượng với sự cởi mở và tôn trọng ứng viên của ông Dũng. Đó cũng là phương châm và phong cách tuyển dụng của Viễn Đông cho đến nay”, bà Hằng cho biết.
Có lẽ chỉ ở Viễn Đông mới có chuyện nhân viên được coi là “một trong những khách hàng quan trọng nhất của Ban lãnh đạo” và mỗi nhân viên khi làm việc với người thuộc bộ phận khác cũng phải trên tinh thần đang tiếp một khách hàng của mình. Duy trì phương châm “chất lượng dịch vụ khách hàng là quan trọng nhất”, tất cả nhân viên khi trúng tuyển vào Viễn Đông đều phải tham gia một khoá huấn luyện về kỹ năng làm việc hiệu quả, yêu cầu đặc thù của công việc, văn hoá công ty… do đích thân Tổng giám đốc Lê Văn Dũng và các cộng sự của ông truyền đạt. Ban lãnh đạo cũng sẵn sàng chia sẻ với nhân viên về các định hướng, chiến lược phát triển lâu dài của Tập đoàn. Chính vì thế, ở Viễn Đông luôn sẵn sàng một tư thế làm việc hết mình và chuyên nghiệp.
“Truyền lửa” cho nhân viên ngay khi vào cửa
Với quyết tâm xây dựng nét văn hoá riêng của Tập đoàn trở thành giá trị cốt lõi, sức mạnh trong cạnh tranh, Viễn Đông thực sự coi trọng việc “truyền lửa” cho nhân viên ngay khi họ đến với Tập đoàn. Đó là ý chí tiến thủ, quy trình làm việc khoa học, ý thức về thương hiệu, hình ảnh, phong cách riêng của Viễn Đông xuyên suốt từ lịch sử hình thành đến tương lai theo một chiến lược dài hơi. “Nhân viên của chúng tôi được trang bị tất cả những cái đó để kết hợp với năng lực của họ, trở thành một nhân viên tốt, nhân viên giỏi. Nếu có người lãnh đạo tốt, chiến lược hay mà nhân viên tồi thì cũng không đem lại kết quả gì. Viễn Đông luôn chú trọng yếu tố con người khi xây dựng văn hoá DN là bởi trong con mắt khách hàng, mỗi nhân viên chính là hình ảnh trực tiếp và rõ nét nhất của Tập đoàn”, bà Hằng nói.
Hiện Viễn Đông đang nỗ lực xây dựng văn hoá DN với những nét riêng, đặc thù của Tập đoàn. Đó là một phong cách làm việc, giao tiếp chuyên nghiệp, không kể người đó là lãnh đạo, chuyên viên hay một lao động tạp vụ, bảo vệ.
Trở lại với vấn đề đâu là “bảo bối” của DN giữ chân được lao động giỏi, đáp số của Tập đoàn Viễn Đông chính là văn hoá DN. Theo bà Hằng, Viễn Đông xác định động lực phát triển thực sự là mỗi nhân viên phải thành công trong công việc; được Tập đoàn và đồng nghiệp ghi nhận thành công đó; được lãnh đạo tín nhiệm, tin tưởng, giao những nhiệm vụ mới và không thể thiếu là, có sự khen thưởng kịp thời.
Tất cả điều đó xuất phát từ tầm nhìn, phong cách làm việc của lãnh đạo và chí tiến thủ, ý thức cống hiến cho Tập đoàn của mỗi nhân viên. Đó, không gì khác là văn hoá DN. “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ cho nền tảng ấy và sẽ tiếp tục xây dựng nó thành một giá trị cốt lõi cho những thành công của Tập đoàn”, bà Hằng tiết lộ.