Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV.
Câu hỏi làm sao chọn được những người thật sự xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước lại được đặt ra canh cánh.
Cử tri và đại biểu đều trăn trở
Năm 2021, Quốc hội Việt Nam sẽ kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946 - 6/1/2021). Đây cũng là năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Thời điểm này của 75 năm trước cũng là lúc cả nước chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa I. Theo bài viết “Bác Hồ với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên” của ông Vũ Kỳ, trong cuốn sách Hồ Chí Minh - người mang lại ánh sáng (Nhà xuất bản Thời đại và Tạp chí Xưa & Nay phát hành năm 2011), thì ngày 10/12/1945, danh sách ứng cử viên khu vực Hà Nội được niêm yết rộng rãi. Trong danh sách, Bác đứng thứ hai, sau cụ Ngô Văn Tố. Tất cả 74 ứng viên, chọn lấy 6 đại biểu.
Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào Thủ đô nhân dịp mừng Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II (năm 1960), Bác Hồ nói: “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại biểu Quốc hội còn phải là người “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Bác cũng nói: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình…”.
Những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, gần nhất là nhiệm kỳ XIV, có không ít đại biểu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, nhưng trình tự để cử tri bãi miễn đại biểu vẫn chưa được ban hành. Vì thế, tới đây, Quốc hội khóa XIV, ngay từ ngày đầu của đợt họp trực tiếp Kỳ họp thứ 10 (ngày 2/11/2020), sẽ trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM).
Vậy là, Quốc hội nhiệm kỳ này có thêm chiếc ghế trống thứ 13. Nếu tính trung bình, mỗi kỳ họp có hơn một chiếc ghế trống. Trong số chủ nhân của những chiếc ghế ấy, có người hy sinh trên đường làm nhiệm vụ, có người mất vì bệnh trọng, có người được phân công làm nhiệm vụ khác. Những đại biểu ấy, dẫu không còn số ghế ở phòng Diên Hồng nữa, nhưng đều có vị trí nhất định trong lòng cử tri.
Song, thật đáng buồn là chưa hết nhiệm kỳ đã có đến đến 7 vị rời ghế với không ít tai tiếng. Người từng là Ủy viên Bộ Chính trị, lĩnh án 30 năm tù; người khác là chủ tịch tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, lĩnh án 7 năm tù. Hai vị này đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội. Bốn vị khác đều nắm giữ trọng trách ở nơi làm việc, nhưng có vi phạm, bị kỷ luật và đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
Ông Phạm Phú Quốc sẽ bị Quốc hội bãi nhiệm vì không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, do có thêm quốc tịch khác ngoài quốc tịch Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, trong số hai vị không được công nhận tư cách đại biểu đầu nhiệm kỳ, thì một vị cũng có quốc tịch thứ hai, tức là đại biểu Phạm Phú Quốc đã có "bài học", mà vẫn cố tình vi phạm.
“Chưa có nhiệm kỳ nào mà số đại biểu bị cho thôi làm nhiệm vụ, trong đó có những đại biểu còn bị những bản án nghiêm khắc của pháp luật, nhiều như nhiệm kỳ này. Sắp tới đây, một vị bị bãi nhiệm, đó là điều không phải một đại biểu, mà nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở, đặc biệt khi đi tiếp xúc cử tri, cử tri cũng có ý kiến rất nhiều", ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
“Đó là điều không ai mong muốn, đặc biệt là những người làm công tác tham mưu về nhân sự như chúng tôi rất trăn trở”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Trở lại đầu nhiệm kỳ Quốc hội đương nhiệm, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIV được bầu là không quá 500 người, nhưng kết quả bầu cử chỉ có 496 vị trúng cử, sau đó, 2 vị không được công nhận tư cách đại biểu. 494 vị còn lại, theo khẳng định của ông Tuấn Anh, đều đủ tư cách đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Ông Tuấn Anh lý giải, sở dĩ có những đại biểu sau đó bị cho thôi làm nhiệm vụ hoặc đương nhiên mất quyền đại biểu (bị kết tội bởi tòa án - PV) là do trong quá trình thẩm tra chưa phát hiện, nhưng sau đó phát hiện hành vi vi phạm.
So sánh với hai khóa Quốc hội XI và XII, ông Nguyễn Đình Xuân (đại biểu Quốc hội khóa XI và XII) hiện là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh nói: “Hồi đó cũng có đại biểu vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, bị khởi tố, nhưng rất ít”.
Điều quan trọng, theo ông Xuân, cuối nhiệm kỳ này - nhiệm kỳ quá nhiều đại biểu Quốc hội phải rời vị trí, các cơ quan có trách nhiệm hiệp thương chọn người ra ứng cử cần rà soát thật kỹ từng trường hợp, xem thời điểm họ vi phạm trước hay sau khi ứng cử, nguyên nhân chủ quan, khách quan là gì, có kẽ hở nào trong quy trình hay không... để rút ra bài học cần thiết.
Làm sao chọn người xứng đáng
Nêu rõ những vi phạm của một số vị đại biểu sau này được cơ quan chức năng phát hiện và thi hành kỷ luật đều xảy ra trước thời điểm được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận: "Rõ ràng, công tác theo dõi, đánh giá cán bộ có vấn đề". Nhưng, đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng nhấn mạnh tinh thần tự giác của mỗi ứng cử viên, tức là nếu thấy bản thân mình không xứng đáng, thì dù có được tổ chức giới thiệu cũng xin rút.
Tuy nhiên, việc một số, chứ không phải chỉ một vị bị cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì đã bị thi hành kỷ luật, theo ông Sinh, cần đặt ra vấn đề về văn hóa từ chức tại Việt Nam.
"Ở các nước khác, người đứng đầu ngành, khi thấy có lỗi là xin từ chức ngay, nhưng ở nước mình, đã mấy ai làm được? Ở Việt Nam, vẫn quan niệm từ chức là điều quá mất danh dự, là mất mát quá lớn, còn nước khác, khi sự việc xảy ra gây hậu quả cho xã hội, người ta thấy, trách nhiệm đó thuộc về mình, thì họ xin từ chức", ông Đỗ Văn Sinh phân tích.
Vậy, khi văn hóa nhận lỗi, từ chức còn tương đối xa lạ, thì cách nào để cử tri có thể giám sát các đại biểu do mình bầu ra có còn xứng đáng với sự tín nhiệm của mình hay không?
Trả lời câu hỏi này, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói: "Đúng là cần phải có cơ chế thường xuyên giám sát và đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của đại biểu, nhưng hiện nay, Quốc hội chưa làm được việc này. Pháp luật hiện hành chưa có quy định đánh giá hàng năm với đại biểu Quốc hội như với cán bộ, công chức, viên chức.
Nếu có đánh giá hàng năm, thì qua đó, có thể biết được việc đại biểu Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, chứ không phải chờ dư luận, báo chí lên tiếng, rồi Quốc hội mới biết để thực hiện các quy trình bãi nhiệm".
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc, các công việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khóa mới đã được khởi động. Và câu hỏi làm sao chọn được người xứng đáng vào cơ quan đại diện cho dân càng trở nên hóc búa, khi quy trình hiệp thương chọn người vào danh sách ứng cử, quá trình vận động bầu cử chưa thay đổi. Bởi các vị từng bị bãi nhiệm, bị cho thôi nhiệm vụ vì vi phạm kỷ luật đều trải qua những quy trình ấy cả.
Bên cạnh tiêu chí rõ ràng để lựa chọn ứng viên, thì quy trình đánh giá, thẩm định thực sự công tâm cũng quan trọng không kém. Đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu quan điểm, hiện tại, các ứng viên thường được nhìn nhận theo ý kiến chủ quan của người đứng đầu, tức là khi thủ trưởng nói thế nào thì cấp dưới nói theo như vậy. Cái đó phải khắc phục.
Với "thâm niên" ba khóa liên tục làm đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đúc kết: đảm bảo cơ cấu cũng là cần thiết, nhưng để tránh được sự "hao hụt" về số lượng đại biểu như nhiệm kỳ này, cần chọn các ứng viên hội đủ đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh. Có đạo đức thì người đại diện cho dân sẽ thực sự hành động theo nguyện vọng của nhân dân, có bản lĩnh mới dám nói những điều dân gửi gắm và có trí tuệ thì mới có thể thay mặt dân quyết định những công việc quan trọng của đất nước. “Đại biểu hội đủ đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chắc chắn không khiến cử tri thất vọng”, bà Thúy khái quát.
Được bầu vào Quốc hội khóa XI năm 31 tuổi, sau đó tái cử khóa XII, qua kinh nghiệm hai lần ứng cử, ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng, việc thỏa thuận về số lượng, cơ cấu người ứng cử ngay từ vòng hiệp thương thứ nhất phải tương đối rộng rãi và khoa học, nếu quá nặng về cơ cấu thì khó chọn được ứng viên tiềm năng.
Theo ông Xuân, cần đặc biệt đề cao yêu cầu về khả năng đại diện của các ứng viên, vì đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình, mà còn đại diện cho nhân dân cả nước, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
Ông Xuân nhấn mạnh, nếu không có kỹ năng làm người đại diện, thì đại biểu sẽ không biết được người dân đang mong muốn gì và cũng sẽ không biết cách diễn đạt, chuyển tải mong muốn của người dân, như thế sẽ không hoàn thành được chức năng quan trọng nhất của đại biểu là chức năng đại diện cho người dân. Và để chính cử tri có thể so sánh được ứng viên nào sẽ làm tốt hơn chức năng đại diện cho mình, theo ông Xuân, cần đề cao hơn nữa tính tranh cử trong quá trình vận động bầu cử.
Chọn người thực sự xứng đáng đại diện được cho nhân dân, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn cũng là đáp án chung cho "bài toán" nhân sự được khá nhiều đại biểu đương nhiệm thống nhất.
Ngày 20/6/2020, ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội, lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Thực hiện tốt yêu cầu này, hẳn nghị trường sẽ bớt đi những khoảng trống xót xa.
Cử tri đề nghị chọn người xứng đáng cho nhiệm kỳ mới
Gửi ý kiến đến Quốc hội, cử tri đề nghị Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 giới thiệu, lựa chọn, bầu được những đại biểu Quốc hội thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, khắc phục bằng được tình trạng không công nhận tư cách đại biểu hoặc phải bãi nhiệm tư cách đại biểu như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Trả lời kiến nghị này, Ban Công tác Đại biểu cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Đề án Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trình Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, các nội dung về tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã được tập trung nghiên cứu kỹ để quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, làm cơ sở để lựa chọn được những người có trình độ, năng lực, phẩm chất, xứng đáng là người đại biểu đại diện của nhân dân.