Vàng tuần 25 - 29/11: Mọi phân tích đều... giảm giá

Vàng tuần 25 - 29/11: Mọi phân tích đều... giảm giá

(ĐTCK) Giá vàng đã giảm mạnh trong tuần này, nhưng xu hướng giảm sẽ còn tiếp diễn, do mọi phân tích đều không ủng hộ kim loại này. Giá USD tự do tăng mạnh.

Vàng thế giới

Biên bản cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) được công bố giữa tuần này, với dấu hiệu cho thấy cơ quan này có thể thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng sớm hơn, đã khiến giá vàng phá vỡ các ngưỡng kháng cự quan trọng. Về cuối tuần, giá vàng giao ngay đi ngang, chốt ở mức 1.243,2 USD/ounce.

Hầu hết chuyên gia đều cho rằng, giá vàng trong tuần tới sẽ còn giảm tiếp. Một nhà phân tích kỹ thuật thậm chí còn đùa rằng, diễn biến giá vàng gợi cho ông nhắc lại vụ Thị trưởng thành phố Toronto Rob Ford, người đã soán trang đầu các tờ báo bằng lối cư xử tệ hại: Rob Ford đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi cố cứu vãn danh tiếng của mình.

Vàng sẽ không thể tăng trở lại được và điều này được Walter Zimmerman Jr., Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật của United-ICAP, so sánh với vụ thị trưởng Toronto.

“Vàng đang nhắc tôi nhớ tới Rob Ford. Bất kỳ sự cố gắng cứu vãn nào cũng chỉ làm cho sự việc trở nên tồi tệ thêm. Nếu vàng còn vùng vẫy để tăng điểm, nó càng có khả năng giảm sâu hơn”, Zimmerman nói.

Zimmerman cho biết thêm rằng, các biểu đồ kỹ thuật của vàng, cả theo ngày lẫn theo tháng, đều cho xu hướng giảm. Biểu đồ theo ngày cho thấy, giá vàng có thể thử mức thấp trong tháng 6 là 1.179 USD/ounce và có lẽ sẽ chỉ bị chặn lại ở mức 1.160 USD/ounce.

Trên biểu đồ tháng, Zimmerman phân tích, vàng đang hình thành một mô hình Tam giác, nói nên sự tiếp diễn của xu hướng hiện tại.

“Mỗi khi thị trường có một đợt giảm mạnh và lập nên một mô hình tam giác, bạn hãy tin chắc rằng, xu hướng giảm sẽ còn tiếp diễn”, Zimmerman nói.

Theo chuyên gia phân tích này, trường hợp xấu nhất, vàng có thể nhắm đến các ngưỡng từ 800 đến 750 USD/ounce, nhưng sẽ cần 2 năm để làm điều đó.

“Thời điểm về mức 800 USD/ounce còn là một câu hỏi lớn, nhưng chúng tôi tin chắc vàng sẽ thử ngưỡng 1.160 USD/ounce”, Zimmerman khẳng định.

Cũng theo Zimmerman, xu hướng giảm của vàng không chỉ thể hiện trên biểu đồ kỹ thuật mà còn từ các nhân tố khác, như khả năng tăng lãi suất, sự thiếu lạm phát hay việc đồng USD mạnh lên.

 

Vàng trong nước

Tại thị trường trong nước, tuần này, giá vàng các thương hiệu cũng đã giảm mạnh theo giá vàng thế giới. Chốt tuần, giá vàng SJC đã chính thức về dưới ngưỡng 36 triệu đồng/lượng, với  35,87 - 35,94 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Giá vàng PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là 33,37 - 33,77 triệu đồng/lượng, giảm 630.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 32,77 - 33,32 triệu đồng/lượng, giảm tới 830.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Trong tuần, NHNN đã tổ chức một phiên bán vàng miếng vào ngày 21/11, với 15.000 lượng chào thầu. Kết quả, có 14.800 lượng được mua với giá cao nhất là 36,10 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 36,07 triệu đồng/lượng. Tính đến nay, NHNN đã bán ra tổng cộng 1.740.500 lượng, trên tổng số 1.852.000 lượng chào thầu.

 

Ngoại tệ

Tuần này, giá USD do Vietcombank niêm yết chỉ điều chỉnh giảm một lần vào ngày 20/11 với mức giảm nhẹ 5 đồng/USD, xuống còn là 21.075 - 21.115 đồng/USD.

Ngược lại, trên thị trường tự do, giá USD lại tăng mạnh từng ngày, đến cuối tuần là 21.240 - 21.260 đồng/USD, tăng 90 đồng ở giá mua, 80 đồng ở giá bán so với cuối tuần trước.

Với các ngoại tệ khác, đa phần giảm sau 1 tuần, chủ yếu do bị yếu đi trong tương quan với đồng USD trên trường quốc tế. Trong đó, AUD của Úc giảm mạnh nhất với -1,12%; tiếp đến là JPY của Nhật với -0,98%.