Văn hóa quản trị doanh nghiệp: Chìa khoá của sự minh bạch và vững mạnh

Văn hóa quản trị doanh nghiệp: Chìa khoá của sự minh bạch và vững mạnh

(ĐTCK-online) Công ty của bạn đã áp dụng văn hóa quản trị doanh nghiệp (QTDN) chưa? Với tư cách là thành viên của ban lãnh đạo hay ban giám đốc công ty, bạn đã nhận thức được, đã thực thi hay đang thực hiện việc thay đổi chính sách quản trị của doanh nghiệp chưa?

Nếu chúng ta đang ở Hoa Kỳ, chắc hẳn câu trả lời là khá rõ ràng. Tất cả công ty đại chúng niêm yết ở Hoa Kỳ đều đã có những thay đổi về chính sách để đáp ứng các quy định trong Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002; và cũng để đối phó với khủng hoảng nói riêng, trước bài học về sự sụp đổ của tập đoàn Enron và WorldCom.

Ở châu Á, nhiều công ty đã thực hiện việc thay đổi chính sách QTDN ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Các công ty khác cũng đang cập nhật lại chính sách của mình để phản ánh một thực tế mới với sự minh bạch hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, với ban giám đốc và ban kiểm toán tích cực và năng động hơn.

 

QTDN ở Việt Nam

Ở Việt Nam , QTDN là một khái niệm còn khá mới mẻ và có lẽ đang được thực hiện như một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, điều này được mong đợi sẽ nhanh chóng thay đổi và bức tranh toàn cảnh hoạt động QTDN sẽ sáng sủa hơn!

Với tiến trình cổ phần hoá (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nóng lên từng ngày và nhiều doanh nghiệp tư nhân đang chuyển sang công ty đại chúng, ngày càng nhiều vấn đề liên quan đến QTDN đã và đang nảy sinh trong quá trình chuyển đổi từ trạng thái một chủ sở hữu sang nhiều chủ sở hữu. Trong đó nổi lên những vấn đề như sự độc lập của các thành viên ban quản trị đối với các cổ đông, quyền tuyển dụng và sa thải nhân viên, các giao dịch không căn cứ theo giá thị trường giữa các bên liên kết,... Hiện nay, người ta vẫn còn nhìn nhận kiểm toán viên độc lập đơn giản là những người kiểm tra sổ sách và báo cáo tài chính hơn là những đối tác kinh doanh hoặc một phương tiện ngăn ngừa gian lận, thông đồng hay quản lý không đúng quy định...

Một số luật như Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, về cơ bản đã đề cập đến vấn đề đảm bảo xây dựng chính sách QTDN. Tiếp theo các luật này, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC ngày 13/3/2007, quy định về QTDN áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) hoặc Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK). Những quy định này áp dụng các nguyên tắc cơ bản về QTDN để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, thiết lập những chuẩn mực về hành vi, đạo đức nghề nghiệp của các thành viên HĐQT, ban giám đốc, ban kiểm soát và các cán bộ quản lý của công ty niêm yết, cũng như việc đưa ra cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện QTDN của các công ty này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cam kết tuân thủ một cách đầy đủ chuẩn mực quốc tế ( Basel I và Basel II) trước năm 2010 về việc quản lý, giám sát và áp dụng công nghệ. Cơ quan này cũng sẽ tổ chức lại bộ máy, với việc cải thiện năng lực quản lý và thực hiện tái cơ cấu cho phù hợp với các quy định trên. Có thể khẳng định, ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng phát triển mô hình QTDN tốt, bởi các ngân hàng là nguồn cung cấp vốn cho doanh nghiệp và vì thế họ có thể và nên áp dụng mô hình QTDN hiệu quả.

Một ví dụ nữa về QTDN là sự ra đời của Trung tâm Thông tin phòng chống rửa tiền (FATF), nơi có nhiệm vụ đưa ra các kiến nghị phòng chống rửa tiền. Hiện nay, các ngân hàng và tổ chức tài chính Việt Nam đang bắt đầu thực hiện các bước nhằm tuân thủ các khuyến nghị của FATF như thiết lập các khuôn khổ nhằm phát hiện và ngăn chặn rửa tiền ngay trong tổ chức của họ.

Năm 2004, Chính phủ cũng đã ban hành các thông tư về quy tắc QTDN hiệu quả có liên quan tới mối quan hệ giữa kiểm toán viên và khách hàng. Theo Nghị định số 105/2004/NĐ-CP, kiểm toán viên không được cung cấp một số dịch vụ cho khách hàng của mình (ví dụ như dịch vụ ghi sổ kế toán, định giá doanh nghiệp…) và thành viên của ban giám đốc, khách hàng có quan hệ gia đình với thành viên ban giám đốc của công ty kiểm toán.

 

Tại sao phải áp dụng văn hoá QTDN?

Việc áp dụng văn hóa QTDN là rất cần thiết, cơ cấu QTDN ở mỗi nước có thể khác nhau nhưng chúng đều có chung một mục đích là làm tăng giá trị của các cổ đông. Chất lượng QTDN cao cũng như công bố thông tin minh bạch của các công ty niêm yết là tiêu chuẩn lựa chọn ngày càng quan trọng của các nhà đầu tư. Theo quan điểm của số đông nhà đầu tư, những quy trình QTDN được quy định rõ ràng và phù hợp với thông lệ quốc tế là những yếu tố dẫn đến quyết định đầu tư của họ. Điều này rất quan trọng đối với những công ty đang muốn niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam .

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, chúng ta có thể thấy rằng, những công ty chịu thiệt hại nặng nhất chính là những công ty không có sự QTDN tốt. Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ những nước láng giềng để tránh lâm vào tình trạng tương tự là rất cần thiết đối với Việt Nam . Điều không kém phần quan trọng nữa là phải nhận thức, QTDN không chỉ giúp doanh nghiệp tăng giá trị và giảm chi phí vốn trên thị trường, mà nó còn là phương pháp hiệu quả nhất để nâng cao hình ảnh của công ty cũng như hạn chế tham  nhũng.

Việc áp dụng văn hóa QTDN không phải là một sự cố gắng ngắn hạn. Nó bao hàm một quy trình năng động của nhiều hoạt động, với bản chất là sự đánh giá liên tục và hàng loạt về những quy trình, thủ tục và suy nghĩ hiện hành. Đối với các công ty niêm yết hoặc có ý định niêm yết ở Việt Nam, điều không thể bỏ qua là phải thực hiện một quy trình thay đổi, tự kiểm tra giá trị, quy trình hoạt động và tầm nhìn để có thể thực thi văn hóa QTDN một cách thích hợp.

Việc áp dụng văn hóa QTDN được quy định bởi: Nhà nước và các cơ quan quản lý với mong muốn đảm bảo việc báo cáo theo Luật định và tạo điều kiện cho việc ban hành các chính sách kinh tế; cộng đồng các nhà đầu tư để đảm bảo có sự tin tưởng vào việc tiến hành kinh doanh và đưa ra các quyết định đầu tư; cộng đồng tài chính, khi đi đến quyết định cung cấp tài chính hoặc dịch vụ cho những doanh nghiệp khác nhau. Cuối cùng, bản thân doanh nghiệp đó phải có vai trò chủ động trong việc tiếp nhận những thay đổi.

Các công ty có thể cần đến nhà tư vấn như các công ty kiểm toán để hỗ trợ việc thực hiện các dịch vụ như soát xét tính tuân thủ (theo luật định và theo chính sách công ty), phân tích đánh giá rủi ro kinh doanh, kế hoạch thực hiện kiểm toán, kiểm toán nội bộ, xây dựng quy trình kiểm toán nội bộ, đào tạo kiểm toán nội bộ, điều tra gian lận, soát xét quy trình công nghệ thông tin nội bộ, như là một phần trong các bước cần thiết để áp dụng văn hóa QTDN một cách toàn diện.