Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn, trong đó, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ vào EU.

Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn, trong đó, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ vào EU.

Ủy ban châu Âu trình thông qua FTA với Việt Nam

Thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được Ủy ban châu Âu (EC) trình thông qua đúng dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang thăm và làm việc tại châu Âu.

Ngày 17/10/2018, Ủy ban Châu Âu (EC) đệ trình thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) để chờ xét duyệt. Theo quy định, các thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam cần phải được Nghị viện Châu Âu (EP) và 28 thành viên EU phê duyệt.

Điều đáng nói, thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được Ủy ban châu Âu (EC) trình thông qua đúng dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang thăm và làm việc tại châu Âu.

Đây là thỏa thuận toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển tại châu Á, sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, dù một số sẽ theo thời gian và lộ trình cụ thể, và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch.

Trong đó, Việt Nam sẽ miễn thuế (hiện đang là 78%) đối với ô tô nhập khẩu từ EU trong 10 năm tới, miễn thuế (hiện là 50%) đối với rượu vang trong 7 năm. Các công ty EU cũng sẽ có thể được đấu thầu các hợp đồng công của Việt Nam. Việt Nam cam kết bảo vệ 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU, như rượu sâm panh hoặc pho mát Parmigiano Reggiano.

Ngược lại, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu trong 7 năm đối với một số sản phẩm của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép. 

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange bày tỏ sự vui mừng trước việc Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam đã được Ủy ban châu Âu thống nhất trình Hội đồng châu Âu để ký, đây là bước quan trọng để Nghị viện châu Âu bắt đầu quá trình xem xét phê chuẩn, đáp ứng được sự mong đợi của cả hai bên, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa EU và Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn. “Tôi mong rằng cộng đồng doanh nghiệp EU và đặc biệt là doanh nghiệp Bỉ có tiếng nói ủng hộ để hiệp định sớm được ký kết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết. Trên tinh thần đó, Thủ tướng kỳ vọng Việt Nam sẽ là cầu nối tốt để doanh nghiệp EU vào thị trường ASEAN thời gian tới, hướng tới một nền thương mại tự do, công bằng và thuận lợi.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng 10 lần trong gần 10 năm qua và có thể lên đến trên 53 tỷ USD vào cuối năm nay. Khi EVFTA có hiệu lực, chắc chắn, trao đổi thương mại 2 chiều còn tăng mạnh.

Cao ủy Thương mại của Ủy ban châu Âu, bà Cecilia Malstrom nhấn mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu, bày tỏ tin tưởng Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU sẽ nhanh chóng thông qua Hiệp định này để cho phép doanh nghiệp và người dân hai bên có thể sớm hưởng lợi những lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

Tin bài liên quan