Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thay mặt Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đã giải tỏa rất nhiều lo ngại về tiến độ và chất lượng công tác quy hoạch, nhất là khả năng phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch cấp dưới với cấp trên khi thực hiện lập đồng thời các quy hoạch.
Trong báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, cũng như suốt phiên thảo luận tại nghị trường về nội dung này, mối lo mâu thuẫn giữa các quy hoạch và hệ quả tới hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư được nhắc tới nhiều.
Cho dù cơ chế xử lý mâu thuẫn đang được ưu tiên bàn thảo, nhiều khả năng sẽ có mặt trong những giải pháp cấp bách tại Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, song trên thực tế, không ít trường hợp do thay đổi quy hoạch khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương phải gánh chịu nhiều tác động bất lợi, việc xử lý hậu quả kéo dài, lãng phí nguồn lực.
Cũng phải nhắc lại, việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về quy hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; đảm bảo chất lượng quy hoạch; phát huy được tiềm năng, lợi thế quốc gia, các vùng, lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu phát triển và tạo động lực để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói tại Quốc hội. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, mang tầm chiến lược, dài hạn, đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, các nhà khoa học.
Đây cũng là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.