Các chuyên gia quốc tế từ WB, IMF, EuroCham… đánh giá, NHNN đã đưa ra một biện pháp mạnh để ổn định thị trường ngoại tệ và cảnh báo về khả năng tăng tỷ giá lần này sẽ tạo sức ép tăng lạm phát và từ đó lại tạo áp lực lên chính sách tiền tệ… Các chuyên gia và nhiều DN tại Việt Nam thì cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá là giải pháp không thể không làm, nhưng cách điều hành giật cục với biên độ lớn như hiện tại chưa thể tạo được niềm tin và hiệu ứng tích cực về dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư vào TTCK…
Ông Mạc Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long (TLS)
Dù không bất ngờ về thời điểm, nhưng con số điều chỉnh đến 9,3% là một bất ngờ. Thực chất, nếu so sánh trần tỷ giá mới với trần tỷ giá cũ thì VND chỉ bị phá giá 7,2%, nhưng đây cũng là con số cao nhất trong các lần điều chỉnh tỷ giá vài năm trở lại đây. Theo tôi, sau hành động của NHNN, khả năng tăng thanh khoản, kéo tỷ giá tự do về sát với tỷ giá chính thức đạt hiệu quả hay không vẫn đang là ẩn số. Giải pháp ổn định thị trường ngoại tệ tự do không phụ thuộc vào con số phá giá đồng Việt Nam 5% như thường lệ, hay 7% như vừa qua, mà ở các diễn biến sau đó. Nếu nhìn vào cán cân thâm hụt thương mại, tỷ lệ lạm phát, cũng chưa thể xác định lần điều chỉnh vừa qua đã đủ trị bệnh thực sự cho thị trường ngoại tệ tự do hay chưa.
Như chúng ta đã biết, vài năm qua con số dự trữ ngoại hối chính thức của Việt Nam đã liên tục giảm xuống trong khi hàng năm chúng ta vẫn nhận thêm hàng chục tỷ USD kiều hối cả chính thức lẫn không chính thức. Phần lớn trong số này không được quy đổi ra nội tệ, chảy vào lưu thông mà được tích trữ trong dân cư. Dân chúng đã có các hành động rất tự nhiên để bảo toàn tài sản khi nhìn vào chênh lệch cán cân thanh toán quốc tế, tình hình lạm phát của Việt Nam… Họ suy nghĩ đơn giản khi VND đứng trước nguy cơ mất giá thì thích hợp hơn cả là tìm nơi trú ẩn ở các tài sản an toàn. Bởi vậy lần điều chỉnh này được kỳ vọng giải quyết được yếu tố tâm lý một lượng ngoại tệ đang cất trữ sẽ đưa vào lưu thông, giải quyết các căng thẳng về thanh khoản trên thị trường ngoại tệ. Nhưng xa hơn, gốc rễ giải quyết vấn đề là Chính phủ phải giữ được cam kết với người dân rằng, đồng tiền nội tệ sẽ được đảm bảo giá trị mua trong dài hạn. Đây là bài toán rất khó và có thể mâu thuẫn với mục tiêu lớn hiện nay như tăng trưởng và kích thích xuất khẩu.
Ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Khối Phân tích và tư vấn đầu tư SSI
Trong báo cáo cuối năm 2010, chúng tôi đã dự báo NHNN sẽ tiếp tục thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá thị trường tự do trong năm 2011, và tiếp tục giảm giá đồng Việt Nam khoảng 5% cho cả năm tại mức 20.500. Như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá lần này mạnh tay hơn dự tính của chúng tôi. Cùng với việc có thể sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, nhiều khả năng áp lực về tỷ giá trong thời gian tới sẽ dịu bớt và chỉ có thể quay trở lại vào quý IV năm 2011, tại thời điểm đáo hạn của các khoản nợ nước ngoài, lúc nhu cầu cao trong thanh toán các hàng nhập khẩu và dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Đối với lạm phát, rủi ro chính của kinh tế Việt Nam hiện nay, yếu tố tỷ giá cũng là môt nhân tố gây ảnh hưởng quan trọng, khi mà giá cả hàng hoá cơ bản vẫn duy trì ở mức cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng (đặc biệt là hàng nhập khẩu) vẫn tiếp tục tăng; khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, sẽ là những thách thức đối với NHNN trong việc kiềm chế lạm phát để có thể đưa lãi suất xuống tại một mức thấp hơn hiện nay và đồng thời duy trì một tỷ giá ổn định để lấy lại niềm tin vào VND.
Nhìn chung, ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá sẽ phụ thuộc rất nhiều vào biến động của tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường và khả năng của NHNN trong việc giữ được mức chênh lệch hợp lý giữa tỷ giá này và tỷ giá chính thức. Việc điều chỉnh mạnh tay này cũng sẽ làm giảm khả năng về một đợt điều chỉnh nữa trong ngắn hạn và hy vọng sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm giải ngân cho các dự án đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp) tại Việt Nam.
Đối với các công ty vay nợ bằng USD nhiều, sẽ không tránh khỏi việc trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá và điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh quý I/2011. Tuy vậy, việc điều chỉnh tỷ giá này, mặc dù còn nhiều thách thức còn phải đối phó, NHNN có đưa ra dấu hiệu của một chính sách tiền tệ linh hoạt và hướng về thị trường hơn.
Ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital
Năm 2010, cùng với việc đồng tiền Việt Nam bị mất giá, TTCK không khởi sắc so với khu vực, hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực sự khó khăn, kéo theo việc khó gọi thêm vốn. Với các NĐT nước ngoài, chúng tôi mong muốn việc điều hành chính sách nhất quán, theo một lộ trình đã định để có thể dự đoán được và hoạch định được kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam. Liệu sau việc điều chỉnh tỷ giá này, đồng Việt Nam có tiếp tục bị mất giá trên thị trường tự do và dẫn đến việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá của NHNN? Trong trường hợp tỷ giá trên thị trường tự do thay đổi, động thái của NHNN sẽ là gì?… Sau quyết định điều chỉnh tỷ giá, giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư như Dragon Capital mất ngay 7-8%. Giá như chúng tôi có thêm thông tin để có thể dự đoán được chính sách.
Năm 2010, Dragon Capital và nhiều quỹ đầu tư đã linh hoạt hơn trong các quyết định để thích ứng với môi trường đầu tư tại Việt Nam, cơ cấu nhiều khoản đầu tư để luôn có một lượng tiền mặt tham gia thị trường. Tuy vậy, để gọi thêm vốn vào Việt Nam, chúng tôi cần có những cơ hội mới ở những đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn với chính sách và mức giá chào bán hợp lý. Bên cạnh đó, các NĐT cũng đang dõi theo những động thái của Chính phủ trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để ra quyết định đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam
Điều chỉnh tỷ giá là việc bắt buộc phải thực hiện, song tôi cho rằng chính sách sẽ được đánh giá tích cực hơn nếu sau khi điều chỉnh tỷ giá chính thức dao động trong biên độ và không kịch trần. Nếu trước và sau quyết định trên, thị trường ngoại tệ vẫn căng thẳng thì người dân và doanh nghiệp vẫn chưa tin vào khả năng duy trì chính sách ổn định và chưa muốn bán USD ra.
Thị trường ngoại hối Việt Nam lâu nay vận hành theo diễn biến: NHNN khi can thiệp bán USD giá thấp hơn thị trường tự do và ngay lập tức được hấp thụ hết. Khi tỷ giá trung tâm là 21.000 đồng, liệu có hợp lý hơn không nếu thay vì thắt chặt biên độ, chúng ta duy trì biên độ dao động giá ở mức lớn 20.500-22.000 đồng. Khi thị trường chịu tác động của yếu tố tâm lý, tỷ giá tăng cao hơn mức hợp lý, NHNN bán USD ra kéo giá xuống, bình ổn thị trường trở lại. Trong thời gian dài, tỷ giá được duy trì ở biên độ ổn định, sẽ tạo niềm tin vào đồng nội tệ và người ta không có tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ và bán cho hệ thống ngân hàng. Tất nhiên để làm được điều đó, cần có cơ chế điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa hợp lý đi kèm để đồng thời kiểm soát được lạm phát và thâm hụt thương mại.
Ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Saigon Asset Management Corporation
Chính phủ đã thông báo trước sẽ không điều chỉnh tỷ giá trước Tết, nhưng với sức ép của thị trường thì không có gì bất ngờ khi quyết định điều chỉnh tỷ giá đuợc thực hiện ngay trong những ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Chúng tôi hiểu rằng, điều chỉnh tỷ giá là cần thiết dù điều này sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng của quỹ đầu tư nước ngoài đã đổi nguồn vốn USD ra VND.
NĐT nước ngoài để ý đến thị trường Việt Nam đều đang theo dõi vấn đề tỷ giá và ổn định tỷ giá chính thức và tỷ giá chợ đen. NHNN nâng tỷ giá lần này khá cao, nhưng không có nghĩa là NĐT đã yên tâm bỏ vốn. Họ không biết liệu từ nay đến cuối năm, tỷ giá có điều chỉnh nữa hay không.
Vì thế sau đợt điều chỉnh này, việc ổn định tỷ giá không chính thức là yếu tố quan trọng để tạo niềm tin cho thị trường. Nếu tỷ giá chính thức tăng lên nhưng tỷ giá trên thị trường tự do lại tiếp tục tăng mạnh hơn thì NĐT nước ngoài sẽ càng hoài nghi về sự ổn định của chính sách tỷ giá. Hệ quả của sự hoài nghi này luôn là sự chần chừ của dòng vốn ngoại trước ngưỡng cửa vào Việt Nam.