Tỷ lệ tối thiểu 65% cổ đông vẫn tỏ ra hợp lý trong điều kiện hiện nay(?)

Tỷ lệ tối thiểu 65% cổ đông vẫn tỏ ra hợp lý trong điều kiện hiện nay(?)

Tỷ lệ 51%: Nguy hiểm cho cổ đông nhỏ

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ này, với sự thất bại của một số đại hội do số cổ đông tham dự không đủ tỷ lệ tối thiểu 65% cổ phiếu có quyền biểu quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, có nhiều ý kiến về việc nên hạ tỷ lệ số cổ đông đại diện cho tối thiểu 65% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự ĐHCĐ lần đầu trong quy định hiện hành xuống còn 51%. Tuy nhiên, các phân tích lại chỉ ra rằng, tỷ lệ 51% là khá nguy hiểm đối với hoạt động của DN nói chung và quyền lợi của các cổ đông nhỏ, lẻ nói riêng. Và việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến được đưa ra như một gợi ý thú vị dành cho các DN.

Ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư Quang&CỘNG SỰ

Đúng là tại TTCK Việt Nam hiện nay, đa số cổ đông, nhà đầu tư, với trình độ nhận thức cũng như hình thức đầu tư chủ yếu là lướt sóng, khiến tỷ lệ 65% cổ đông tham dự ĐHCĐ không dễ gì đạt được. Từ đó, có ý kiến cho rằng, tỷ lệ này nên được hạ xuống còn 51%. Song theo tôi, tỷ lệ 65% là hoàn toàn hợp lý, nhất là tại thời điểm TTCK hiện nay, nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số và để có thể thu hút thêm nhiều cổ đông tham gia ĐHCĐ.

Có thể tỷ lệ 51% đã được áp dụng tại một số nước, song với tư duy đầu tư, kiến thức đầu tư của số đông nhà đầu tư trong nước còn có khá nhiều khoảng cách với nhà đầu tư  nước ngoài, cộng với tâm lý đầu tư lướt sóng còn khá phổ biến như hiện nay, theo tôi, vẫn nên duy trì tỷ lệ này. Khi nào quy mô TTCK, trình độ nhà đầu tư và công tác quản trị DN ở mức "chấp nhận được", lấp dần khoảng cách với các thị trường tiên tiến, lúc đó mới nên quyết định chấp nhận tỷ lệ 51% cho ĐHCĐ lần đầu.

Tại Việt Nam , đa số CTCP xuất thân từ DNNN hoặc các công ty gia đình được cổ phần hoá. Trong đó, số lượng cổ phiếu mà cổ đông nhà nước hoặc cổ đông lớn sở hữu nhiều khi chiếm tỷ lệ chi phối trong DN. Chính vì vậy, không ngoại trừ việc các cổ đông này tranh thủ tỷ lệ 51% (nếu được chấp thuận) để thông qua một số vấn đề có lợi cho mình tại cuộc họp ĐHCĐ, mà không có sự tham dự của cổ đông thiểu số.

Hiện nay, pháp luật cũng đã mở đường cho DN thông qua quy định họp ĐHCĐ lần 2 chỉ ở mức 51% số cổ phiếu có quyền biểu quyết và không giới hạn tỷ lệ cổ đông tại ĐHCĐ lần 3. Hơn thế, việc một số ĐHCĐ thất bại vừa qua là do TTCK ảm đạm, nhưng việc này chỉ mang tính nhất thời. Bản thân DN, với lượng cổ đông thiểu số đông, cũng nên có những biện pháp khuyến khích cổ đông tham dự ĐHCĐ, như công tác vận động, thông báo, tạo thêm sự quan tâm của cổ đông tới đại hội. Ngoài ra, DN có thể dựa trên kết quả đăng ký xác nhận để thông báo với cổ đông việc có tiến hành ĐHCĐ theo kế hoạch hay không…

Về gợi ý như hướng mở cho vấn đề này qua hình thức họp bằng phương tiện điện tử thông qua video conference hay ấn nút điện tử, theo tôi, điều quan trọng nhất là kiểm soát được tính chính xác của phương tiện, trang thiết bị, hệ thống, cũng như xác nhận kết quả cuối cùng do hình thức họp này mang lại.

 

Ông Đinh Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phát triển phần mềm chứng khoán Việt Nam

Về gợi ý họp ĐHCĐ thông qua phương tiện điện tử, có thể thấy đây là đề xuất đáng được xem xét trong điều kiện công nghệ thông tin đang có những bước đột phá, ngay cả trong lĩnh vực chứng khoán. Nếu áp dụng họp theo hình thức này, chi phí của DN dành cho ĐHCĐ lần đầu có thể tương đương hoặc nhỉnh hơn hình thức họp thông thường chút đỉnh và điều quan trọng hơn là tính khả thi của các cuộc họp ĐHCĐ lần đầu, tính tiên tiến trong áp dụng công nghệ hiện đại, tính chuyên nghiệp của công ty đại chúng…, tránh được những rủi ro từ việc không hội đủ 65% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Hiện đã có một số CTCK áp dụng phương thức giao lưu trực tiếp giữa DN và nhà đầu tư tại các đầu cầu Nam , Bắc thông qua hệ thống video conference. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng đối với trường hợp họp ĐHCĐ. Khi đó, với sự phối hợp của các bên là đơn vị viễn thông, DN và CTCK, tổ chức ĐHCĐ bằng phương tiện điện tử sẽ có mặt tại Việt Nam .

 

Luật sư Lê Hồng Phúc, Công ty Luật hợp danh Luật Việt

Không thể phủ nhận rằng, nhiều khi có những quy định pháp luật còn chưa theo kịp thực tế, song cũng cần cân nhắc xem khi cho phép áp dụng tỷ lệ 51% thay vì 65% thì mức độ ảnh hưởng của nó sẽ ra sao đối với các cổ đông thiểu số. Thực tế, tại nhiều phiên họp cấp cao cũng được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Đối với các cuộc họp ĐHCĐ, luật không quy định rõ phải họp mặt trực tiếp, mà chỉ đề cập chung chung là trên lãnh thổ Việt Nam . Đối với trường hợp họp bằng phương tiện điện tử, điều cần quan trọng là phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một cuộc họp ĐHCĐ theo cách truyền thống, từ việc bỏ phiếu đến kết quả bỏ phiếu cuối cùng, sao cho tính năng kỹ thuật phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của cổ đông, được coi là tinh thần của đại hội.

Theo tôi, nếu tổ chức ĐHCĐ theo hình thức điện tử thì ngoài việc làm tăng giá trị của công nghệ thông tin, tính chuyên nghiệp của DN, còn cho thấy nhiều giá trị gia tăng đối với cổ đông trong trường hợp chi phí thấp hơn chi phí họp thông thường, tính chính xác của thông tin (khi được ghi hình, ghi âm trực tiếp tại cuộc họp). Song, trước khi thực hiện hình thức đại hội này, cũng cần nghiên cứu Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin để triển khai cho phù hợp, nhất là khi họp ĐHCĐ được kết nối qua Internet, liệu có ảnh hưởng đến tính bảo mật thông tin(?)