Ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC)

Ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC)

Từng bước hoàn thiện, chuẩn hóa thông tin tín dụng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) - ông Cao Văn Bình trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh câu chuyện dữ liệu của hệ thống ngân hàng.

Hệ thống ngân hàng có trung tâm CIC được coi là kho dữ liệu về thông tin tín dụng (TTTD) lớn và hiện đại, nhưng theo báo cáo khảo sát cho thấy, tình trạng phân mảnh dẫn tới yêu cầu làm sạch dữ liệu khách hàng vẫn rất lớn, điều này tác động thế nào tới hoạt động của CIC cũng như ngành ngân hàng?

Thực tế, không có khái niệm dữ liệu bị phân mảnh, mà chỉ có đánh giá việc dữ liệu đủ hoặc chưa đủ. Chúng ta cũng thấy rõ rằng, khái niệm “đủ” cũng rất khó xác định nếu không giới hạn trong phạm vi hoạt động nào đó.

Tính đến hiện tại, kho dữ liệu TTTD quốc gia do CIC vận hành và quản lý đang lưu trữ gần 55 triệu hồ sơ khách hàng vay, được thu thập từ 100% các tổ chức tín dụng (124/124), 1.161 quỹ tín dụng nhân dân, 4 tổ chức tài chính vi mô chính thức và 59 tổ chức tự nguyện (bao gồm các quỹ đầu tư phát triển, công ty bán lẻ, công ty bán hàng trả góp…). Như vậy, trong phạm vi hoạt động của ngành ngân hàng, TTTD mà CIC thu thập được có thể coi là “đủ”.

Quá trình thu thập thông tin từ các đầu mối tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân và đơn vị tự nguyện được thực hiện định kỳ và tự động để giảm thiểu sự can thiệp của con người nhằm đảm bảo sự chính xác, kịp thời của thông tin thu thập. Tuy nhiên, trong các năm qua, CIC vẫn ghi nhận một tỷ lệ nhỏ dữ liệu chưa chính xác, có sai lệch và cần được xác minh thông tin, cụ thể ở các tình huống như sau: Khách hàng có trùng giấy tờ định danh với khách hàng khác; khách hàng có nhiều giấy tờ định danh nhưng không có mối liên hệ rõ rệt giữa các giấy tờ định danh, nên CIC gán 2 mã khác nhau cho cùng 1 khách hàng; khách hàng bị mạo danh, bị lấy cắp thông tin cá nhân để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Không chỉ đối với cơ sở dữ liệu TTTD, với bất kỳ cơ sở dữ liệu nào, tình trạng dữ liệu thiếu chính xác vẫn có thể xảy ra nên việc rà soát, làm sạch dữ liệu là một hoạt động cần thiết, thường xuyên tại các đơn vị chủ quản. Tại CIC, trong quá trình thu thập, đối soát và kiểm soát thông tin từ các đầu mối, CIC và các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ để rà soát và chỉnh sửa dữ liệu khi phát hiện có các dấu hiệu sai lệch. Nhờ đó, các hoạt động thu thập và cung cấp thông tin cho hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn được đảm bảo chính xác. Đến nay, CIC chưa ghi nhận trường hợp sai lệch thông tin do CIC cung cấp dẫn đến hiệu quả nghiêm trọng đối với hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng.

CIC sẽ tham gia thế nào vào quá trình chuẩn hóa dữ liệu ngân hàng, đặc biệt là qua việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang quản lý?

Tính đến hiện tại, kho dữ liệu TTTD quốc gia do CIC vận hành và quản lý đang lưu trữ gần 55 triệu hồ sơ khách hàng vay...

Thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Quyết định 171/2022 và Kế hoạch 01/2023 của Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - đơn vị đầu mối quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) trực thuộc Bộ Công an xác thực, làm sạch dữ liệu định danh khách hàng, đồng thời ứng dụng trong việc làm sạch tài khoản thanh toán, phòng chống rửa tiền, hoạt động TTTD.

Đối với hoạt động tổ chức tín dụng, CIC và C06 đã đối soát 4 đợt dữ liệu với hơn 42 triệu khách hàng đủ điều kiện đối soát để làm sạch cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia. CIC và C06 đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để thực hiện đối soát trực tuyến với các khách hàng phát sinh sau thời điểm đối soát ngoại tuyến.

Trên cơ sở kết quả đối soát và làm sạch dữ liệu với C06, CIC đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để xác minh lại các trường hợp khách hàng có sai sót, gửi lại kết quả làm sạch từ hệ thống ngân hàng để C06 có phương án cập nhật và làm sạch cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các hoạt động thu thập và cung cấp thông tin cho hệ thống các tổ chức tín dụng đảm bảo chính xác

Các hoạt động thu thập và cung cấp thông tin cho hệ thống các tổ chức tín dụng đảm bảo chính xác

Một vấn đề mà các công ty tài chính tiêu dùng đang mong muốn, đó là hệ thống chấm điểm tín dụng của CIC có thể cung cấp nhanh chóng các báo cáo TTTD phục vụ cho việc triển khai cho vay trực tuyến. CIC đã đáp ứng nhu cầu này như thế nào?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của ngành ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Các tổ chức tín dụng nói chung và các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng đều đang chạy đua ứng dụng công nghệ để gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng, từ đó tăng cơ hội cho vay.

Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2023/TT cho phép triển khai hoạt động cho vay qua phương tiện điện tử, đã tạo động lực cho toàn bộ hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính tiêu dùng tăng tốc trong cuộc đua tìm kiếm khách hàng và chiếm lĩnh thị phần, mà một trong những yếu tố góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh là thời gian xử lý hồ sơ, bao gồm cả thời gian nhận bản trả lời tin từ CIC cần phải nhanh chóng, tức thời, theo thời gian thực (real time).

Nắm bắt và nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng, những năm qua, CIC đã chủ động áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng thông tin, chất lượng sản phẩm, trong đó có tiêu chỉ cải thiện thời gian trả lời tin.

Cụ thể, phát triển kho dữ liệu theo hướng đa dạng hóa thông tin từ các nguồn trong và ngoài ngành, đẩy mạnh đối soát để làm sạch dữ liệu… tạo tiền đề cho phát triển đa dạng sản phẩm, tăng tỷ lệ trả lời tự động và rút ngắn thời gian tạo lập sản phẩm;

Phát triển kênh kết nối trực tiếp qua các API Gateway (kênh kết nối Host to Host) để rút ngắn thời gian trả lời tin, giảm thiểu sự can thiệp của nhân viên vào quá trình tạo lập, tiếp nhận và xử lý thông tin khách hàng vay tại các tổ chức tín dụng;

Bên cạnh đó, kênh cung cấp thông tin truyền thống qua website đã được nâng cấp và có tỷ lệ trả lời tin tự động đạt khoảng 95% với thời gian trả lời tin tự động dưới 10 giây, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về thời gian trả lời tin của các đơn vị hỏi tin, trong đó có các công ty tài chính tiêu dùng;

Các mẫu sản phẩm với đa dạng chỉ tiêu thông tin, từ đơn giản đến phức tạp, từ làm sẵn đến theo yêu cầu… cũng đã được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về mức độ thông tin cần thiết để đánh giá từng đối tượng khách hàng căn cứ mục tiêu, định hướng riêng của từng tổ chức tín dụng. Ngoài ra, CIC vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và dự kiến xây dựng mẫu sản phẩm riêng biệt phục vụ cho sản phẩm cho vay online giá trị dưới 100 triệu đồng và cho vay tiêu dùng trong năm 2024.

Kho dữ liệu TTTD do CIC quản lý là “tài sản” rất lớn cần nhiều năm mới có được, trong tương lai CIC có kế hoạch gì để mở rộng kho dữ liệu này?

Phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia được CIC xác định là nhiệm vụ cốt lõi, thường xuyên, liên tục. Như tôi đã chia sẻ ở trên, tổng số hồ sơ khách hàng trong kho dữ liệu TTTD hiện nay đạt gần 55 triệu khách hàng, kết quả này là sự cố gắng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của CIC trong hơn 20 năm qua.

Đề án phát triển CIC đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030 đưa ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2022-2025 cũng như giai đoạn 2026-2030 là xây dựng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đầy đủ, tập trung, thống nhất, phấn đấu về độ phủ thông tin sẽ đạt 90% dân số trưởng thành trong giai đoạn 2025-2030; chỉ số chiều sâu TTTD sẽ duy trì được điểm số tối đa với những giải pháp cụ thể như sau:

l Tiếp tục duy trì và đảm bảo việc thu thập thông tin đầy đủ từ 100% tổ chức tín dụng, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.

l Tiếp tục triển khai mở rộng nguồn thông tin từ các đơn vị ngoài ngành: Bộ Công an, Tổng cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội, Cục Giao dịch bảo đảm; thông tin từ các công ty tiện ích (điện, nước, viễn thông…)…; thông tin từ các tổ chức tự nguyện; thông tin về gian lận (fraud bureau); mở rộng trao đổi thông tin xuyên biên giới.

l Phối hợp với cơ quan thanh tra - giám sát (đơn vị đầu mối) hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động TTTD của Ngân hàng Nhà nước.

l Cuối cùng, một giải pháp rất quan trọng mà CIC đang thực hiện, đó là việc đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, áp dụng các công nghệ mới trong xử lý, kiểm soát dữ liệu (Big Data, ML, AI…); chuẩn hóa giải pháp, quy trình, nghiệp vụ lõi cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyên gia xử lý dữ liệu để có thể đảm bảo chất lượng nguồn dữ liệu thu thập, nâng cao tỷ lệ tự động hóa trong việc thu thập, xử lý, lưu giữ, cập nhật TTTD.

Tin bài liên quan