Phiên giao dịch 18/3, phiên chỉ số VN-Index tái lập đỉnh hơn 1.200 điểm, thị trường ghi nhận giá trị mua ròng 208 tỷ đồng của khối tự doanh, bao gồm mua ròng 239 tỷ đồng qua khớp lệnh.
Họ mua mạnh nhất các cổ phiếu ngành ngân hàng (TCB, VPB, VCB MBB, HDB, CTG, STB, TPB), thực phẩm và đồ uống (VNM, MSN) và tài nguyên cơ bản (HPG), trong khi bán ròng mạnh nhất với nhóm ngành bất động sản (KBC, IJC, DXG).
Trước đó, trong phiên 17/3, khối này mua ròng nhẹ hơn 56 tỷ đồng; phiên 16/3, bán ròng nhẹ 13 tỷ đồng; phiên 15/3, mua ròng 152,6 tỷ đồng.
Ngay tuần trước đó (8/3 - 12/3), khối ngoại bán ròng mạnh nhưng nhà đầu tư cá nhân và khối tự doanh mua ròng lên tới 4.557 tỷ đồng. Các cổ phiếu thu hút dòng vốn lớn nhất tuần qua gồm VNM, VIC và MWG. Trong đó, khối tự doanh mua ròng 291 tỷ đồng, riêng giá trị mua ròng qua khớp lệnh đạt 71 tỷ đồng.
Phiên giao dịch 18/3, chỉ số VN-Index tái lập đỉnh hơn 1.200 điểm, thị trường ghi nhận giá trị mua ròng 208 tỷ đồng của khối tự doanh.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset lý giải, dòng tiền đang đổ rất mạnh vào các quỹ ETF như VN30, Diamond. Từ đầu tháng 3 lại đây, dòng vốn mới đổ vào các quỹ ETF Việt Nam rất tích cực, tính từ 1/3-16/3, VFM VN Diamond huy động ròng 60 triệu USD, trong khi VFM VN30 huy động ròng 56,1 triệu USD. Theo đó, khả năng các công ty chứng khoán đang mua tự doanh để “xây kho” cho các quỹ chỉ số ETF này.
Ngoài các tình huống đặc biệt như trên, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, “vài năm gần đây, tự doanh công ty chứng khoán không chỉ đầu tư tài chính thuần túy như các năm trước, mà sử dụng tài khoản tự doanh để tạo lập thị trường (market maker) cho các quỹ chỉ số như VN30, VNDiamond, CW”.
Khi các quỹ muốn phân phối chứng chỉ quỹ ETF thì sẽ gặp gỡ các công ty chứng khoán để hợp tác làm đại lý phân phối. Đại lý phân phối ETF có 2 dạng, hoặc là chỉ thuần đại lý phân phối, hoặc vừa làm phân phối vừa tạo lập thị trường cho ETF đó.
Với trường hợp các công ty chứng khoán vừa phân phối, vừa làm nhà tạo lập thị trường thì sẽ dùng tài khoản tự doanh. Thông thường, khi nước ngoài mua ròng chứng chỉ quỹ ETF thì tự doanh bán ròng chứng chỉ quỹ ETF, hoặc các cổ phiếu trong VN30, VN Diamond là chính. Thỉnh thoảng, có trường hợp tự doanh giá trị lớn khi có đáo hạn hợp đồng phái sinh.
Chẳng hạn, trong tuần trước nữa, tự doanh mua ròng, trong đó chứng chỉ quỹ FUEVFVND đạt giá trị bán ra cao nhất với 259 tỷ đồng, hoặc mua ròng mạnh ở các cổ phiếu trong rổ chỉ số như HPG, TCB… Còn phiên 18/3, tự doanh cũng mua mạnh khối ngân hàng như TCB, VCB, VPB, MBB, trong khi bán ròng khá mạnh ở FUEVFVND
Nhiều chuyên gia ở công ty chứng khoán đồng quan điểm, kể từ khi thị trường phái sinh và chứng quyền xuất hiện thì tỷ trọng hoạt động phòng hộ (hegde) và đầu cơ chênh lệnh giá (arbitrage) được nâng lên nhiều trong khối tự doanh nhằm phòng hộ cho phái sinh, chứng quyền và kinh doanh chênh lệch giá. Hoạt động này thường xảy ra mạnh gần thời điểm đáo hạn.
Xét trường hợp khối tự doanh mua ròng trong tuần vừa qua, một phần là các hoạt động phòng hộ, đồng thời là kinh doanh chênh lệch giá cho thời điểm đáo hạn phái sinh.
Trong khi đó, chỉ có một số ít công ty chứng khoán thuần tự doanh (kiếm lời từ đầu tư mà không phải là thực hiện nghiệp vụ tạo lập) như SHS, VDS, CTS… có thể mua ròng khi giá cổ phiếu thấp, hợp lý và sẽ bán ròng khi giá cao…, hoặc bản thân có một thương vụ nào đó.
Nhưng ngược lại, ở các công ty chứng khoán lớn như SSI, HSC…, tự doanh có đầy đủ các nghiệp vụ thì khó đánh giá đâu là lý do chính yếu cho hoạt động mua/bán ròng vì không công bố thông tin cụ thể cho từng nghiệp vụ.