Những tháng đầu năm 2024, cơ quan thi hành án đã thực hiện thu hồi 193.858 tỷ đồng nợ cho các tổ chức tín dụng

Những tháng đầu năm 2024, cơ quan thi hành án đã thực hiện thu hồi 193.858 tỷ đồng nợ cho các tổ chức tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến thời điểm hiện nay, cơ quan Thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành cho 41 tổ chức tín dụng trong nước; 05 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 04 ngân hàng liên doanh tại Việt Nam; 17 công ty tài chính; 11 công ty cho thuê tài chính và ngân hàng khác.

Tại Tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế chính sách Thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho biết, 10 tháng năm 2024 (năm công tác từ 1/10/2023), cơ quan Thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành cho 41 tổ chức tín dụng trong nước; 05 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 04 ngân hàng liên doanh tại Việt Nam; 17 công ty tài chính; 11 công ty cho thuê tài chính và ngân hàng khác.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phát biểu tại Toạ đàm

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phát biểu tại Toạ đàm

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là 5.557 việc, tương ứng 44.049 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là 5.426 việc, tương ứng 5.483 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là 4.538 việc, tương ứng 9.043 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 2.951 việc, tương ứng 24.594 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 1.613 việc, tương ứng 14.668 tỷ đồng...

Về kết quả thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, bà Hà cho biết, tổng số phải thi hành là 46.562 việc, tương ứng 193.858 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2023, số phải thi hành án tăng 7.039 việc và tăng 39.406 tỷ đồng), chiếm 5,11% về việc và 40,66% về tiền so với tổng số việc/tiền phải thi hành toàn hệ thống năm 2024. Trong đó, có điều kiện thi hành là 28.432 việc, tương ứng 128.923 tỷ đồng (chiếm 61,06% về việc, 66,50% về tiền so với tổng số phải thi hành).

Đã thi hành xong 4.513 việc, tương ứng 24.211 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 15,87% về việc và 18,78% về tiền). So với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ thi hành xong tăng 0,94% về việc, 1,82% về tiền (tăng 945 về việc và về tiền là 8.573 tỷ đồng).

Bà Hà cho biết, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục đã quan tâm, chỉ đạo trong toàn hệ thống Thi hành án dân sự, đặc biệt chú trọng chỉ đạo địa phương tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra chỉ đạo các mặt công tác (Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024; Lãnh đạo Tổng cục trực tiếp công tác tại địa phương để quán triệt). Đồng thời, phối hợp với tổ chức tín dụng, ngân hàng và các cơ quan có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ việc hoàn thiện thể chế trong các pháp luật có liên quan (Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật đấu giá tài sản, lập đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự sửa đổi…) đến việc phối hợp tổ chức tọa đàm; tổng hợp đề xuất Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng phối hợp với các đơn vị có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng có chuyển biến so với cùng kỳ năm 2023 cả về việc, tiền (tăng tỷ lệ 0,94% về việc, 1,82% về tiền). Cơ quan Thi hành án dân sự tăng cường đôn đốc, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khó khăn, vướng mắc, một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ thi hành án tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (tỉnh Bắc Giang tăng 18,57% về tiền, Bắc Kạn tăng 59,67%, Quảng Ngãi tăng 52,32%)”, bà Hà chia sẻ.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho biết, mặc dù Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng, song thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.

“Qua tổng hợp số liệu của 14 ngân hàng hội viên, đến nay có 379 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương...”, ông Long thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã đề nghị các cơ quan thi hành án địa phương báo cáo kết quả với hơn 300 vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng, nêu rõ nguyên nhân, lý do và báo cáo trong vòng 3 tháng tới đây để cùng khẩn trương giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Đồng thời, ông Thái cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các TCTD tiếp tục phối hợp tích cực với cơ quan thi hành án để cùng tháo gỡ các vấn đề phức tạp trong từng vụ việc cụ thể.

Tin bài liên quan