EVN có trách nhiệm kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản

EVN có trách nhiệm kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản

Từ 1/9, giá điện sẽ theo cơ chế mới

Từ 1/9, giá bán điện được kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Đây là một trong những nội dung của thông tư số 31/2011/TT-BCT quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản vừa được Bộ Công Thương ban hành.

Theo Bộ Công Thương, nguyên tắc xác định các thông số đầu vào cơ bản là giá bán điện được tính toán kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành, bao gồm: Tỷ giá đô la Mỹ được tính bình quân theo ngày, từ ngày điều chỉnh giá bán điện lần liền trước đến ngày 15 của tháng tính toán (hoặc của ngày làm việc liền trước nếu ngày 15 trùng với ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ), được lấy bằng tỷ giá đô la Mỹ bán ra giờ đóng cửa của Hội sở chính - Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương VN. Giá nhiên liệu tính toán là giá nhiên liệu bình quân theo ngày, từ ngày điều chỉnh giá bán điện lần liền trước đến ngày 15 của tháng tính toán, trong đó giá than được lấy bằng giá than trong nước cho phát điện tại điểm giao hàng do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản VN công bố, giá khí cho nhà máy điện Cà Mau do Tổng công ty Khí VN tính theo giá dầu quốc tế, giá khí từ các nguồn khí khác (Nam Côn Sơn và Cửu Long) do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời điểm tính toán giá bán điện theo hợp đồng, giá dầu xác định theo giá dầu bán lẻ của thị trường trong nước do Tổng Cty Xăng dầu VN công bố. Cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua kể từ lần điều chỉnh trước với tổng sản lượng từ ngày 15 đến hết tháng được dự kiến tính toán.

 

Trước ngày 20 hàng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực tế được xác định, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) có trách nhiệm kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản. Trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản ở mức 5%, EVN báo cáo Bộ Công Thương chấp thuận phương án điều chỉnh giá điện. Nếu Bộ Công Thương không có ý kiến, sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán điều chỉnh giá điện, EVN được điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành. Đối với việc điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng trên 5%, EVN báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phương án giá điện để thẩm định. Bộ Công Thương trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt sau khi đã thẩm định. Nếu Thủ tướng chưa có ý kiến trả lời, sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương trình phương án điều chỉnh giá điện, EVN được điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức 5%. Đối với trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản nhỏ hơn 5% so với giá bán điện hiện hành, EVN sẽ tính toán phân bổ vào giá bán điện bình quân chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện để điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng tối đa 5% và thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo quy định.

 

Sau khi điều chỉnh giá bán điện bình quân, EVN có trách nhiệm xác định biểu giá bán điện chi tiết cho các nhóm khách hàng căn cứ vào giá bán điện bình quân điều chỉnh và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành... EVN cũng thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Trường hợp sau khi trích lập Quỹ bình ổn giá điện theo quy định mà chênh lệch giá bán điện bình quân toàn phần, EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân xuống bằng giá bán điện bình quân tính toán, đồng thời báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.