Theo tài liệu, TTC Sugar đặt kế hoạch doanh thu niên độ 2021-2022 (1/7/2021 đến 30/6/2022) đạt 16.900 tỷ đồng, tăng 13% so với niên độ 2020 - 2021.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế Công ty đặt ra cho niên độ này ở mức 750 tỷ đồng cao hơn so với kế hoạch đưa ra cho niên độ trước.
Theo HĐQT TTC Sugar, trong giai đoạn ngành đường có nhiều cạnh tranh và thách thức, công ty đặt mục tiêu nỗ lực giữ thị trường, kiểm soát chi phí và đảm bảo kế hoạch kinh doanh.
Niên độ 2021-2022, Công ty dự báo, thị trường đường thế giới sẽ thiếu hụt hơn 1 triệu tấn so với dự báo cách đây 6 tháng là thặng dư 3 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng giảm từ Brazil, Thái Lan, Ấn Độ.
Đặc biệt, hạn hán ảnh hưởng đến năng suất cây trồng khiến sản lượng đường của Brazil - nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới và chiếm 40% sản lượng đường xuất khẩu toàn cầu - giảm mạnh.
Giá mía ở Thái Lan dự kiến cũng tăng 30% vụ tới do cây mía đang bị cạnh tranh gay gắt với cây mì. Bên cạnh đó, nguồn cung tiền từ chính phủ các quốc gia, đặc biệt là Mỹ gây lạm phát tại nhiều nơi.
Ngoài ra, đồng USD suy yếu, lợi suất trái phiếu tăng, do đó hàng hóa là một trong những tài sản trú ẩn tốt. Dẫn đến việc đầu tư và đẩy giá hàng hóa tăng.
Với thị trường trong nước, theo SBT, sản lượng mía trong nước vụ 2021-2022 dự báo ở mức 7 triệu tấn, tăng khoảng 24% so với vụ 2020-2021.
Niên vụ 2021-2022, Việt Nam ước sản xuất đạt khoảng 700.000 - 750.000 tấn. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn mới đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo SBT, giá đường lệ thuộc vào 3 yếu tố: giá đường thế giới, tình hình đường nhập lậu và nguồn nhập khẩu đường trắng từ các quốc gia ngoài Thái Lan.
Mặc dù chỉ tiêu lợi nhuận TTC Sugar đưa ra trong niên độ mới có phần khiêm tốn hơn so với mức thực hiện của niên độ vừa rồi, song Công ty trình cổ đông chia cổ tức niên độ 2021-2022 ở mức cao hơn niên độ trước, với tỷ lệ 8-10%. Đồng thời, chia cổ tức cổ phiếu ưu đãi với mức cổ tức cố định là 5,5% trong 1,5 năm đầu tiên và các năm tiếp theo theo thỏa thuận giữa công ty và Quỹ đầu tư DEG nhưng không vượt quá 12%/năm (đã bao gồm cổ tức đã trả trước đó).
Bên cạnh đó, HĐQT SBT cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành riêng lẻ để tăng vốn. Số lượng dự kiến chào bán là dưới 20% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tại thời điểm chào bán, giá chào bán theo thỏa thuận với các nhà đầu tư.
Tính đến hết niên độ tài chính 2020-2021, SBT còn nguồn lợi nhuận chưa phân phối là hơn 1.042 tỷ đồng.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2020-2021 (đã trích cổ tức cổ phiếu ưu đãi và ước tính cổ tức 2019-2020) là hơn 580 tỷ đồng; Một phần thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm 30/6/2021 tại BCTC hợp nhất kiểm toán là 462 tỷ đồng.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 20/10 tới, TTC Sugar sẽ phân phối lợi nhuận 546,8 tỷ đồng. Theo đó, ngoài trích các Quỹ, Công ty sẽ chia cổ tức niên độ 2020-2021 tỷ lệ 7% tiền mặt hoặc/và cổ phiếu.
Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, Công ty sẽ sử dụng một phần thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm 30/6/2021 tại BCTC hợp nhất kiểm toán.
Đồng thời, tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, cổ đông của TTC Sugar cũng sẽ được nghe chia sẻ về định hướng M&A.
Giá cổ phiếu SBT của TTC Sugar kết phiên giao dịch ngày 30/9 đạt 21.050 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ trong tuần, nhưng đã tăng hơn 42% trong gần 1 năm qua.
Niên độ 2020-2021 của SBT vừa kết thúc ngày 30/6/2021 với kết quả kinh doanh khá khả quan, tổng sản lượng tiêu thụ vượt mốc 1,16 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần đạt gần 15.000 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch và tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 784 tỷ đồng hoàn thành 118% kế hoạch và tăng 53% so với cùng kỳ.