Trước ngày ông Trump nhậm chức, chứng khoán đồng loạt giảm điểm

Trước ngày ông Trump nhậm chức, chứng khoán đồng loạt giảm điểm

(ĐTCK) Một ngày trước lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, chứng khoán toàn cầu đều đồng loạt chìm trong sắc đỏ.

Việc đồng USD tăng và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, cùng với sự thận trọng của các quỹ đầu tư lớn trước ngày nhậm chức của ông Trump khiến phố Wall đảo chiều giảm điểm trong phiên thứ Năm.

Nhà đầu tư đang chờ đợi ông Trump thực hiện lời hứa giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm các quy định liên quan đến ngân hàng như thế nào sau khi chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Kết thúc phiên 19/1, chỉ số Dow Jones giảm 72,32 điểm (-0,37%), xuống 19.732,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,20 điểm (-0,36%), xuống 2.263,69 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 15,57 điểm (-0,28%), xuống 5.540,08 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu sau nỗ lực đảo chiều phiên thứ Tư đã đồng loạt giảm điểm trở lại trong phiên giao dịch đầy biến động hôm thứ Năm. Nhận thông tin hỗ trợ về M&A, chứng khoán khu vực này có lúc đã nỗ lực phục hồi, nhưng việc Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ECB sẽ giữ nguyên chính sách hiện tại khiến giới đầu tư thất vọng, nên các chỉ số chính của khu vực quay đầu và đóng cửa trong sắc đỏ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, ECB đang mắc kẹt với chính sách của mình khi dù dữ liệu kinh tế và lạm phạt gần đây có dấu hiệu cải thiện, nhưng cơ quan này vẫn giữ nguyên giọng điệu không thay đổi chính sách kể từ tháng 12/2016.

Kết thúc phiên 19/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 39,17 điểm (-0,54%), xuống 7.208,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 2,50 điểm (-0,02%), xuống 11.596,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 12,26 điểm (-0,25%), xuống 4.941,14 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, diễn biến lại trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh trở lại từ mức thấp nhất 6 tuần nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính sau bài phát biểu trước đó của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng tăng lãi suất. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm lại khi cổ phiếu của Toshiba và Takata lao dốc với mức giảm 16% và 17% do nhận các thông tin tiêu cực.

Trong khi đó, việc khả năng Fed tăng lãi suất sau bài phát biểu của bà Yellen lại khiến chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm điểm. Hồng Kông là trung tâm tài chính châu Á, cũng như trên thế giới và rất nhảy cảm với các thông tin về lãi suất cũng như biến động của các đồng tiền mạnh.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục duy trì đà giảm trong phiên thứ Năm với mức giảm mạnh hơn phiên trước do tác động từ nhóm cổ phiếu năng lượng và cơ sở hạ tầng, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Kết thúc phiên 19/1, chỉ số Nikkie 225 tăng 177,88 điểm (+0,94%), lên 19.072,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 48,30 điểm (-0,21%), xuống 23.049,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,71 điểm (-0,38%), xuống 3.101,30 điểm.

Việc đồng USD tăng cũng tiếp tục gây áp lực lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này gần như giảm trong suốt phiên giao dịch. Tuy nhiên, về cuối phiên, nhờ việc giá dầu thô phục hồi, đã kéo giá vàng đi lên và đóng cửa tăng nhẹ so với phiên trước đó. Trong khi giá vàng tương lai trên sàn Comex chốt phiên sớm hơn nên có mức giảm khá mạnh.

Kết thúc phiên 19/1, giá vàng giao ngay tăng 0,5 USD (+0,04%), lên 1.204,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 giảm 10,6 USD (-0,87%), xuống 1.201,5 USD/ounce.

Giá dầu nhận được thông tin tích cực khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, dù còn quá sớm để đánh giá mức độ tuân thủ của các nước OPEC về việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng kho dự trữ dầu thô thương mại tại các nước phát triển trong tháng 1 giảm tháng thứ tư liên tiếp.

Ngoài ra, theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ tại trung tâm trung chuyển Cushing, Oklahoma lại giảm 1,3 triệu thùng.

Tuy nhiên, giá dầu thô cũng chịu thông tin tiêu cực khi EIA cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước bất ngờ tăng mạnh do nhu cầu yếu và các nhà máy lọc dầu lớn hãm sản xuất.

Cụ thể, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng thêm 2,3 triệu thùng, cao hơn nhiều so với con số dự báo 342.000 thùng của giới phân tích. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã giảm sản lượng sản xuất 639.000 thùng/ngày, tương đương giảm 2,9 điểm phần trăm, xuống còn công suất 90,7% để bảo dưỡng. Tương tự, kho dự trữ xăng tăng tới 6 triệu thùng, nhiếu hơn gấp 3 lần con số dự báo của giới phân tích.

Dù vậy, kết thúc phiên giao dịch thứ Năm, giá dầu thô cũng đã phục hồi trở lại từ mức thấp nhất 1 tuần trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 19/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,29 USD/thùng (+0,57%), lên 51,37 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,24 USD (+0,45%), lên 54,16 USD/thùng.

Tin bài liên quan