Sáng nay (24/10), Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo cảu thế giới sau năm 2015 đã được tổ chức tai Hà Nội.
Theo các diễn giả tại Hội thảo, hiện nay đang hình thành nhiều xu hướng dịch chuyển khác nhau của các trung tâm chế biến, chế tạo trên thế giới, trong đó, xu thế chủ đạo là sự dịch chuyển các trung tâm chế biến, chế tạo từ các nền kinh tế phát triển sang các nước đang phát triển bên cạnh xu thế dịch chuyển các trung tâm chế biến, chế tạo giữa các nước trong khu vực và giữa các nước đang phát triển.
Ngoài ra, cũng đang có xu hướng chuyển dịch ngược của các “công xưởng thế giới” từ các nước đang phát triển trở về các nước phát triển.
Việt Nam được nhận định là có khả năng trở thành điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới.
Vấn đề là Việt Nam cần nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới trong thời gian tới có ý nghĩa hết sức cấp thiết.
Lợi thế rất nhiều
Theo các diễn giả tại Hội thảo, ngành công nghiệp chế tạo, chế biến mới của thế giới của Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế nổi bật để có thể trở thành một trung tâm chế tạo, chế biến mới của thế giới.
Thứ nhất, hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế.
Có tới 80/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp này.
Thứ hai, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á cho thấy nước này không còn được xem là công xưởng chính của thế giới. Theo công bố của Bộ Tài chính Hàn Quốc, trong nửa đầu năm 2015, đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã giảm đến 32,1%.
Thứ ba, Việt Nam hiện đã tham gia nhiều tổ chức kinh tế, diễn đàn quốc tế quan trọng như: thành viên WTO, ASEAN (AFTA), ASEAN+3, ASEM, APEC, các hiệp định thương mại song phương với các đối tác kinh tế quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đặc biệt, Việt Nam vừa đàm phán thành công để trở thành thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam phát triển, tạo ra hiệu ứng tích cực đáng kể đối với đầu tư và xuất khẩu của đất nước.
Thứ tư, làn sóng đầu tư của nước ngoài chọn Việt Nam như là vùng trũng để thực hiện đầu tư. Ngay từ khi mới tập trung đầu tư vào Trung Quốc, các tập đoàn chế tạo nước ngoài đã chọn Việt Nam là địa chỉ sản xuất phụ để làm dự phòng khi chuyển hướng chiến lược. Trong số đó, phải kể đến các tập đoàn lớn như Toyota, Honda của Nhật Bản, Ford của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc.
Việt Nam có biên giới với Trung Quốc, cùng với bờ biển dài, rất dễ dàng cho chuyển dịch công xưởng từ Trung Quốc sang cũng như hoạt động xuất nhập khẩu với chi phí vận chuyển thấp.
Thứ năm, lợi thế về nguồn lao động trẻ dồi dào và chi phí nhân công thấp là thế mạnh vượt trội của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam đang là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Thứ sáu, sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và các địa phương trong việc xây dựng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, thể hiện qua các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ từ năm 1986 đến nay.
Theo đó, nhất quán quan điểm phát triển và khẳng định vai trò của khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việt Nam đã ban hành luật và các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với nhiều ưu đãi, khuyến khích. Cùng với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là các chính sách khuyến khích đầu tư trong nước.
Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức
Các thách thức cũng được các chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ, chẳng hạn như đón nhận công nghệ thấp (bãi thải công nghệ), thành nước chỉ gia công thuần túy mà không tiếp thu được công nghệ tiên tiến, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, kỷ luật và năng suất lao động thấp, vấn đề môi trường sinh thái và lãng phí tài nguyên...
Sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại không đồng đều, sự bứt phá tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có yếu tố xuất khẩu, đầu tàu là khối FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh sức cầu trong nước phục hồi yếu hơn mong đợi.
Do vậy, cần phải có các quyết sách quyết liệt, đặc biệt dành nguồn lực thích đáng cho phát triển công nghiệp chế tạo như: tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm sản xuất linh, phụ kiện, nguyên phụ liệu và vật liệu cơ bản trên cơ sở tận dụng các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đồng thời tận dụng các cơ hội do các hiệp định FTA thế hệ mới như TPP, với EU, với Liên minh thuế quan nhằm thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp nặng.
Mục tiêu trong ngắn hạn nhằm đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tối đa vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Cùng với sự phát triển từng bước của công nghiệp hỗ trợ, một số sản phẩm hoàn chỉnh sẽ bước đầu được chế tạo, bước đầu có thể tiêu thụ ở các thị trường ngách.
Nếu một sản phẩm sử dụng các linh kiện và phụ tùng với tỷ lệ hơn 40% thì được xem là sản phẩm của Việt Nam (theo quy định ASEAN).
Khi ngành công nghiệp hỗ trợ đã phát triển đến một trình độ nhất định sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư mạnh mẽ các dự án lớn công nghiệp chế tạo vào Việt Nam. Lúc đó, các sản phẩm công nghiệp chế tạo Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn, từng bước chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài.
Các nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển trong đó có nhóm ngành cơ khí và luyện kim; Ngành điện tử và công nghệ thông tin; Ngành dệt may - da giày; Ngành khai thác và chế biến khoáng sản...
Và một số giải pháp cũng được chia sẻ nhưng vẫn là câu chuyện đã được đề cập đến rất nhiều như: phát triển nguồn nhân lực; vốn; thu hút đầu tư, Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ vật liệu và chế tạo máy; Phát triển công nghệ vật liệu cho công nghiệp chế tạo; Phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực cơ khí, ô tô, dệt may -da dày, điện tử...
"Trên cơ sở thực hiện các mục tiêu đã được phê duyệt đến năm 2020, nếu được đầu tư nguồn lực thích đáng, Việt Nam sẽ hình thành được nền tảng cho quá trình trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới", TS. Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.