Trung Quốc học cách quen với sự khó đoán của Trump

Trump có thể nghĩ rằng ông khiến Trung Quốc bối rối bằng những quyết định bất ngờ trong thương chiến, nhưng giờ đây, họ đã quen với việc đó.
Tổng thống Mỹ Trump tại hội nghị G7 ở Pháp ngày 26/8. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Trump tại hội nghị G7 ở Pháp ngày 26/8. Ảnh: AFP.

Hơn một năm sau khi chiến tranh thương mại bắt đầu, các quan chức và nhà phân tích Trung Quốc nói rằng họ đã có thể hiểu Tổng thống Mỹ và không còn bị "xoay như chong chóng" bởi sự khó đoán của ông.

"Giống như tàu lượn siêu tốc vậy, Buenos Aires, Osaka, Thượng Hải. Hôm nay ông ấy nói thế này mai lại nói thế khác", Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Toàn cầu hóa và Trung Quốc, đồng thời là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, nói, đề cập đến những nơi từng diễn ra các cuộc đàm phán cấp cao Mỹ - Trung.

Giới lãnh đạo Trung Quốc "càng đối phó nhiều với ông ấy thì càng hiểu ông ấy", Wang nói thêm.

Hồi cuối tháng 6, Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận "đình chiến" sau khi Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị G20 ở Buenos Aires.

Tuy nhiên, sau khi vòng đàm phán Mỹ - Trung thứ 12 ở Thượng Hải không đạt được nhiều kết quả, Trump ngày 1/8 thông báo quyết định áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Bắc Kinh đáp trả bằng việc áp thuế với 75 tỷ USD hàng Mỹ từ ngày 1/9 và 15/12. Trump sau đó tiếp tục ra đòn áp thuế 30% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 1/10 và thuế 15% với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ ngày 1/9 và 15/12. Với những động thái này thì đến ngày 15/12, 97% hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị đánh thuế, theo nhà kinh tế Chad Bown thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Trump đầu tuần này phát đi những tín hiệu bất nhất tại hội nghị G7. Khi Trump được hỏi ông có cân nhắc lại về lập trường quyết liệt của mình đối với Trung Quốc hay không, Trump trả lời "tôi cân nhắc lại về mọi thứ" -  bình luận dường như thể hiện sự nuối tiếc khi đã làm căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, Nhà Trắng ngay lập tức bác bỏ cách diễn giải này, nhấn mạnh rằng Trump nuối tiếc vì đã "không đánh thuế nặng hơn".

Trump khẳng định ông không lo ngại rằng lập trường hay thay đổi của mình với Trung Quốc sẽ làm suy yếu sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. "Xin lỗi! Đó là cách tôi đàm phán", ông nói ngày 26/8. "Nó đã rất có ích với tôi trong những năm qua và nó cũng đang có ích cho đất nước".

Trump cho rằng đòn thuế của Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa Trung Quốc và khiến ba triệu công nhân nhà máy Trung Quốc mất việc, gây áp lực lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để hai bên đạt được thỏa thuận. 

Tuy nhiên, luận điểm của Trump rằng ông chiếm thế thượng phong tại bàn đàm phán dường như không thuyết phục đối với người Trung Quốc.

Trung Quốc tin rằng họ có sự kiểm soát với nền kinh tế chặt chẽ hơn Trump. Họ cho rằng ông ấy dễ bị tổn thương bởi sự chững lại của kinh tế hơn họ và Trung Quốc đủ khả năng 'câu giờ' cho đến thời điểm Trump hết nhiệm kỳ".

"Họ đã xác định rằng Trump là người thất thường, không biết chính xác những gì ông ấy muốn và bực bội mỗi khi thấy thị trường chứng khoán đi xuống hoặc ai đó chỉ trích ông ấy không cứng rắn", Arthur Kroeber, giám đốc điều hành của Gavekal Dragonomics, tổ chức tư vấn tại Bắc Kinh, nói.

Các quan chức Trung Quốc ban đầu bối rối trước phong cách khó đoán của Trump. Chủ tịch Trung Quốc được cho là đã phải đối mặt với chỉ trích vì đánh giá thấp quyết tâm của Trump trong việc đối phó với Bắc Kinh. Tuy nhiên, giờ đây, họ đã học được cách nghi ngờ về mọi động thái của Tổng thống Mỹ.

"Ông ấy gọi ông Tập là 'bạn tốt' và 'lãnh đạo tuyệt vời' để làm gì khi mà vẫn tăng thuế?", Yao Xinchao, giáo sư thương mại tại Đại học Kinh tế và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh, nói. Chúng ta không thể cứ chỉ nghe những lời ông ấy nói. Tôi nghĩ rằng các lãnh đạo Trung Quốc cũng đã nhận ra điều này".

Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn là Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận vì nền kinh tế của họ đang có dấu hiệu chững lại. "Tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ nên được giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói. Ông khẳng định cách tiếp cận gây áp lực tối đa của Mỹ làm tổn thương cả hai bên và không mang tính xây dựng.

"Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ có thể kiềm chế, thể hiện sự chân thành để tạo điều kiện cho các cuộc tham vấn thêm trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi", ông Cảnh nói.

Câu hỏi hiện giờ là làm thế nào hai bên tìm được cách thoát khỏi bế tắc. Cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc cho rằng Trump từng ép các quốc gia như Canada, Mexico và Nhật Bản nhượng bộ để đạt được thỏa thuận nhưng điều đó không có tác dụng với Trung Quốc. 

"Chúng tôi đã xem xét và hiểu phong cách của Trump", ông Ngụy nói. Nếu ông ấy nghĩ rằng ông ấy có thể đảm bảo lợi thế cho Mỹ và bóp nghẹt Trung Quốc  bằng cách gây áp lực tối đa thì ông ấy đã mơ tưởng hão huyền rồi. Điều đó là không thể".

Nhiều nhà phân tích dự đoán căng thẳng sẽ tiếp tục ít nhất là vào tháng 11, khi hai lãnh đạo có khả năng gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Vành đai Thái Bình Dương ở Chile.

"Giờ đây Trung Quốc đã hiểu ông ấy rất kỹ và biết rằng sự không nhất quán là bản chất của ông ấy", Wang nói. Nếu chúng tôi đạt được thỏa thuận, có khi ông ấy cũng không thực hiện nó nghiêm chỉnh. Nhưng nếu không có thỏa thuận thì ông ấy sẽ lặp đi lặp lại chiến thuật này, như vậy cũng rất phiền phức".

Tin bài liên quan