Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, tùy thuộc từng doanh nghiệp, số vụ trục lợi phát hiện được chiếm từ 6-20% số vụ giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm. Về nghiệp vụ, chủ yếu là bảo hiểm bổ trợ/sức khỏe, chiếm tới 80-90% tổng số vụ trục lợi toàn thị trường.
Được biết, thời gian vừa qua, qua các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đã gặp một số trường hợp khách hàng mua hợp đồng của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ với tổng số tiền bồi thường theo hợp đồng khá lớn và đặc biệt, có những trường hợp yêu cầu bồi thường với tình trạng mất ngón tay cái.
Thêm một điều đáng chú ý nữa là những khách hàng này đều cùng ở một khu vực. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, có trường hợp công ty bảo hiểm đã ghi ngờ và chứng minh được khách hàng kia báo thông tin không trung thực về nghề nghiệp, tình trạng bảo hiểm… và có dấu hiệu trục lợi, nên đã quyết định không chi trả.
Tự hủy hoại thân thể để yêu cầu bảo hiểm bồi thường không phải là câu chuyện hiếm trên thị trường bảo hiểm. Ngay cả với những thị trường phát triển, các công ty bảo hiểm đã phát hiện và từ chối nhiều vụ khách hàng tự hủy hoại thân thể với cách thức rất tinh vi và mức độ cũng khá nặng nề.
Tại thị trường Việt Nam, dù số vụ tự hủy hoại thân thể để trục lợi bảo hiểm chưa đáng báo động, nhưng tần suất cũng đã dày hơn, tùy từng mức độ. Đơn cử, tại một tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, có vài trường hợp khách hàng yêu cầu bồi thường vì tai nạn mất ngón tay. Đáng lưu ý là những trường hợp này thường mua nhiều hợp đồng bảo hiểm của các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Khoảng 6-7 năm trước, từng có trường hợp một công ty bảo hiểm chỉ thời gian ngắn sau khi đưa ra thị trường một sản phẩm bảo hiểm viện phí và hỗ trợ điều trị đã liên tục bị trục lợi, nên buộc phải khoanh vùng một số địa bàn như Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương không bán sản phẩm để tránh rủi ro, bởi đây là những địa phương từng xuất hiện tình trạng cả làng bị bệnh mắt...
“Dù không ‘rộn ràng’ như những năm trước vì các doanh nghiệp bảo hiểm đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phát hiện và ngăn chặn nguy cơ trục lợi bảo hiểm, nhưng không chỉ ở Việt Nam, mà ở các thị trường khác cũng vậy, trục lợi luôn là bài toán khiến các doanh nghiệp bảo hiểm đau đầu, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, đối với bảo hiểm sức khỏe và viện phí, điều đáng lo ngại và khó kiểm soát nhất vẫn là tình trạng các bệnh viện hay cơ sở y tế tiếp tay cho hành vi trục lợi của khách hàng. Nhiều trường hợp công ty bảo hiểm nghi ngờ, nhưng không làm sáng tỏ được vì không có sự hỗ trợ của cơ sở y tế. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phải “đơn thương độc mã” chống lại những hành vi trục lợi này.
Được biết, nhằm giải quyết triệt để các yếu tố, hành vi liên quan đến trục lợi bảo hiểm, các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp bảo hiểm đã bắt tay xây dựng một dự án chống trục lợi bảo hiểm, tuy nhiên, để dự án đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả trong thực tế cần phải mất nhiều thời gian nữa. Chính vì vậy, các công ty bảo hiểm vẫn phải chủ động học hỏi kinh nghiệm từ thị trường để thích ứng và tự bảo vệ mình trước những hành vi trục lợi bảo hiểm.
Thực tế, trong việc xử lý các hành vi trục lợi bảo hiểm, khi thấy hồ sơ bồi thường không hợp lệ, hoặc thấy có dấu hiệu trục lợi, công ty bảo hiểm thường chỉ sử dụng biện pháp “nhẹ nhàng” là từ chối bồi thường, còn nếu muốn khởi tố, đưa ra pháp luật thì công ty bảo hiểm phải có chứng cứ.
Hơn nữa, việc chứng minh các khách hàng gian dối là việc "cực chẳng đã" các công ty bảo hiểm mới thực hiện. Chính việc không quyết liệt từ phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng là lý do khiến khách hàng "xem nhẹ" vấn đề trục lợi và có những hành vi không trung thực.