Diễn biến gần đây
Tuần qua, các mốc tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng trên các thị trường chính thức và tự do. Trên thị trường tự do, kết thúc ngày thứ Sáu, ngày 12/12, tỷ giá bán ra ở mức 22.640 VND/USD, tăng 5 đồng so với cuối tuần trước. Trên thị trường liên ngân hàng, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần thứ Sáu, tỷ giá liên ngân hàng đạt 22.505 VND/USD, tăng 25 đồng so với cuối tuần trước.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá mua - bán USD/VND cũng được điều chỉnh tăng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/12, tỷ giá mua - bán dao động ở mức 22.460 - 22.530 VND/USD, tăng khoảng 30 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá niêm yết tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ ở mốc 21.800 - 22.475 VND/USD.
Nguồn: SBV, Reuters
Đâu là nguyên nhân?
Mặc dù chỉ số USD Index giảm nhẹ trong tuần, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tăng nhẹ do yếu tổ tâm lý thị trường trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần này. Theo các tổ chức uy tín, Fed có thể sẽ quyết định tăng lãi suất từ 0,25-0,5% vào cuộc họp ngày 17/12.
Còn tại thị trường trong nước, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục bán ra ngoại tệ, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng và niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn không ngừng tăng lên. Điều này có thể giải thích do nhu cầu ngoại tệ thường có xu hướng tăng mạnh hơn vào thời điểm cuối năm. Đồng thời, các ngân hàng cũng thận trọng thu mua ngoại tệ để cover trạng thái khi phiên họp của Fed đang cận kề.
Mặt khác, thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp bán USD nhằm hỗ trợ tỷ giá trong thời gian qua đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm khoảng 6,7 tỷ USD, xuống mốc 30,3 tỷ USD vào thời điểm tháng 9/2015 đã gây ra tâm lý tiêu cực cho thị trường.
Triển vọng
Dù có áp lực, nhưng dự báo tỷ giá VND/USD từ nay đến hết năm 2015 vẫn có thể nằm trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước do: (i) nhập siêu cả năm có thể dưới mục tiêu 6 tỷ USD; (ii) Ngân hàng Nhà nước quyết tâm áp dụng mọi biện pháp có thể nhằm giữ ổn định tỷ giá bao gồm biện pháp hành chính và can thiệp trực tiếp..; (iii) kịch bản Fed tăng lãi suất đã phản ánh vào diễn biến thị trường trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD sẽ chịu nhiều áp lực trong đầu năm 2016 do: (i) nguồn dữ trữ ngoại hối đang giảm dần, nên Ngân hàng Nhà nước khó có thể tiếp tục mạnh tay bán USD để can thiệp vào thị trường; (ii) Fed tăng lãi suất sẽ khiến cho đồng USD tăng giá so với các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND; (iii) các quốc gia như EU, Trung Quốc, Nhật Bản…tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng khiến các đồng tiền khác như CNY, JPY, EUR… sẽ tiếp tục mất giá so với USD, điều này sẽ khiến VND hạ giá do sự tác động bởi các cặp tỷ giá chéo.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tòa soạn hay Tổ chức mà người viết đang công tác.