Cùng với đó, Đề án Phát triển trái phiếu xanh đang được nhà quản lý xây dựng với dự kiến sẽ áp dụng cho 20 doanh nghiệp niêm yết có tên trong Chỉ số Phát triển bền vững và một số ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam.
Nhu cầu vốn lớn
Cam kết đầu tư vào trái phiếu xanh từ chính phủ các nước nhằm hướng đến việc tạo dựng một nền kinh tế phát triển xanh hơn và bền vững hơn về mặt xã hội và môi trường.
Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), nhu cầu vốn cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu được ước tính ở mức 5.000-7.000 tỷ USD mỗi năm, với khoảng 2.500 tỷ USD thiếu hụt được ước tính tại các thị trường đang phát triển dành cho những lĩnh vực về phát triển cơ sở hạ tầng then chốt và các ngành có liên quan.
Trong khi đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia theo hướng bền vững, Việt Nam sẽ cần khoảng 30,7 tỷ USD tới năm 2020 và có thể khoảng 21,2 tỷ USD cho 10 năm tiếp theo để hỗ trợ vào chương trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ).
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại một hội thảo năm ngoái rằng, với nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh như vậy, khoảng 30% sẽ đến từ ngân sách nhà nước, bao gồm ngân sách trung ương, tỉnh và viện trợ phát triển chính thức (ODA), trong khi phần còn lại là 70% sẽ đến từ khu vực tư nhân.
Vai trò của thị trường vốn và cam kết của Chính phủ
Thị trường vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược Phát triển xanh của Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012 cho giai đoạn 2011-2020. Nói một cách đơn giản, thị trường vốn cung cấp nguồn tài chính cho các dự án xanh và các công ty phát triển theo hướng xanh, đồng thời tạo ra nền tảng cho việc kinh doanh các sản phẩm phái sinh xanh, cũng như tận dụng đầu tư của khu vực tư nhân thông qua việc phát hành trái phiếu xanh từ cả khối doanh nghiệp và Nhà nước.
Cơ quan quản lý thị trường vốn Việt Nam hiện tại đã tăng cường hoạt động công bố thông tin về môi trường và xã hội thông qua việc giới thiệu Sổ tay hướng dẫn về báo cáo bền vững cho các công ty niêm yết và công bố thông tin môi trường - xã hội bắt buộc trong báo cáo thường niên của các công ty niêm yết.
Bên cạnh đó, việc phát hành Bộ chỉ số bền vững để làm tài liệu tham khảo cho các danh mục đầu tư và cho các kế hoạch phát hành trái phiếu xanh tại các chính quyền cấp tỉnh và doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ trở thành bàn đạp cho sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ xanh trong tương lai gần.
Cả hai Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP.HCM (HOSE) đều đã tham gia vào chương trình Sáng kiến Giao dịch chứng khoán bền vững từ năm 2014 như một nỗ lực hướng tới sự phát triển bền vững của thị trường vốn thế giới.
Hơn thế nữa, Việt Nam cũng đã tích cực đóng góp vào Diễn đàn Thị trường ASEAN (ACMF) trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và phát triển thị trường vốn xanh. Bộ tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN (AGBS) đã được truyền đạt và phát hành tới các công ty niêm yết, các cơ quan trung ương và địa phương trên khắp cả nước.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), bên cạnh việc giới thiệu AGBS cho các thành viên tham gia trên thị trường, cơ quan này sẽ có hướng dẫn cụ thể và phù hợp với bộ tiêu chuẩn này, cũng như tìm kiếm thêm sự hợp tác của các thành viên ACMF về một danh mục tài sản xanh ASEAN .
Ngoài ra, UBCK sẽ tiến hành các khóa đào tạo về trái phiếu xanh cho các đối tượng tham gia trên thị trường, bao gồm cách thức khởi sự các dự án trái phiếu xanh, các đợt phát hành theo sau và lồng ghép các rủi ro về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp và đánh giá tác động trong các giai đoạn phát hành, triển khai dự án trái phiếu xanh. UBCK cũng cho biết, sẽ xem xét lập khung quy định về trái phiếu xanh trong tương lai gần.
UBCK trong những năm vừa qua đã nỗ lực đưa các nội dung đầu tư có trách nhiệm, tài chính xanh và tăng trưởng xanh vào hiện thực hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hoạt động nâng cao nhận thức về đầu tư có trách nhiệm đã và đang được thực hiện với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường; xây dựng các hướng dẫn về phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán và triển khai giải thưởng báo cáo phát triển bền vững.
Trái phiếu xanh và mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài
Việc phát hành trái phiếu xanh trong thời gian tới dự kiến sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực đầu tư xanh ở Việt Nam. Ông Thomas Debelic, đại diện cấp cao của Commerzbank AG tại Đông Dương từng chia sẻ, nhiều công ty châu Âu bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam, thậm chí đã chuẩn bị bước vào thị trường với các sản phẩm và dịch vụ bền vững trong lĩnh vực năng lượng quang điện, xây dựng xanh hay xử lý nước thải.
"Commerzbank đã có những cuộc nói chuyện và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng xanh. Các chủ đề như việc phát hành trái phiếu xanh được đưa ra trao đổi với các tổ chức của chính phủ Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, sáng kiến xanh tại Việt Nam sẽ đáp ứng được các lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài và chứng minh được sự thành công trong những năm tới ", ông Debelic nói.
Mục tiêu của ACMF là hướng tới tăng trưởng bền vững và kết nối các thị trường trong khu vực ASEAN. Trong đó, thị trường vốn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế góp phần vào sự tăng trưởng bền vững thông qua việc phân bổ các nguồn vốn cho các dự án môi trường.
Bộ tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN được nghiên cứu và ra đời vào tháng 11/2017 đưa ra các tiêu chuẩn chung để phát hành trái phiếu xanh ASEAN, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu hội nhập và kết nối, hướng tới tăng trưởng bền vững khu vực ASEAN.
Sau khi Bộ tiêu chuẩn Trái phiếu xanh ASEAN được ban hành, đã có 4 đợt phát hành trái phiếu và trái phiếu hồi giáo (trái phiếu sukuk) được dán nhãn Trái phiếu Xanh ASEAN do các công ty của Malaysia, Singapore và Indonesia phát hành. Nguồn vốn huy động từ các đợt phát hành trái phiếu xanh này sẽ được phân bổ vào các dự án liên quan môi trường như năng lượng tái tạo, công trình quản lý rác thải và tòa nhà xanh, giao thông vận tải, sân bay với các tiêu chí đạt tiêu chuẩn bền vững.