Theo số liệu tổng hợp từ Bloomberg, từ cuối năm 2009 tới nay, giá trị thị trường của cổ phiếu thuộc 26 quốc gia có mặt tại các chỉ số thị trường đang phát triển của MSCI Inc đã tăng thêm 6.600 tỷ USD.
Cũng trong giai đoạn này, chỉ số Bloomberg Barclays Bond theo dõi các thị trường tài chính chủ chốt tại các nền kinh tế mới nổi cho thấy, thị trường trái phiếu niêm yết bằng đồng nội tệ tăng thêm 2.900 tỷ USD, trái phiếu niêm yết bằng đồng USD tăng 1.700 tỷ USD và chứng khoán niêm yết bằng euro tăng 237 tỷ USD.
Như vậy, trong thập kỷ qua, các nền kinh tế mới nổi đã đón nhận khoảng 11.000 tỷ USD dòng vốn đầu tư, từ đó đạt được những thành quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bước sang thập kỷ mới, mà cụ thể hơn là năm 2020, triển vọng của các thị trường mới nổi có còn sáng?
Kết quả khảo sát 57 nhà đầu tư tổ chức lớn trên toàn cầu về triển vọng thị trường năm 2020 của Bloomberg cho thấy, đa phần tin rằng tài sản đầu tư tại các nền kinh tế đang phát triển sẽ có màn biểu diễn vượt trội hơn so với các quốc gia phát triển.
Trong đó, khu vực châu Á có triển vọng nhất. Hiện tại, tổng tài sản của thị trường chứng khoán và cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đã vượt qua con số 25.000 tỷ USD, lớn hơn nền kinh tế Mỹ và Đức cộng lại.
Bước sang năm 2020, thương chiến Mỹ - Trung vẫn là yếu tố tác động lớn nhất tới chuyển động của các thị trường.
Yếu tố thứ hai là triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và kế tiếp là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đáng chú ý, sau làn sóng nới lỏng tiền tệ khiến hơn 11.000 tỷ USD các tài sản đầu tư đang phải chịu lãi suất âm, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu bước vào thời kỳ thận trọng hơn với các chính sách nới lỏng.
Năm 2019, tất cả các tài sản tại thị trường mới nổi, bao gồm tiền tệ, cổ phiếu và trái phiếu, đều có màn trở lại tích cực sau khi lao dốc mạnh nhất trong 3 năm vào năm 2018, với lực đỡ xuất phát từ việc Fed tiến hành hạ lãi suất nhằm hỗ trợ đà tăng của kinh tế Mỹ.
Trong bối cảnh này, giới đầu tư cũng như các chuyên gia lựa chọn đồng ruble (Nga), vốn đang có đà tăng tích cực nhất năm 2019, trở thành đồng tiền hàng đầu để đầu tư vào năm 2020, trong khi Indonesia được ưa chuộng nhất đối với cả trái phiếu và cổ phiếu.
“Tôi giữ đánh giá lạc quan đối với các thị trường mới nổi trong năm 2020. Bên cạnh các động lực hiện tại vẫn được giữ vững, khu vực này còn nhận được sự hỗ trợ từ môi trường lãi suất toàn cầu ở mức thấp, thúc đẩy nhà đầu tư tìm tới các loại tài sản mang lại lợi nhuận tích cực hơn”, Takeshi Yokouchi, giám đốc quản lý quỹ tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management Co, hiện đang quản lý khối tài sản trị giá 160 tỷ USD nhận định và chia sẻ thêm, châu Á sẽ tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu về sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư với thị trường tiền tệ và cổ phiếu, trong khi khu vực Mỹ Latinh được ưa chuộng hơn về trái phiếu.
Trong 57 tổ chức đầu tư tham gia khảo sát của Bloomberg có Manulife Investment Management, Bank of Singapore Ltd, Mizuho Bank Ltd, BNP Paribas Asset Management, Nomura Asset Management Co, Deutsche Bank AG, Fidelity International, Vanguard Asset
Management, Wells Fargo & Co, Societe Generale SA, Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management Co, WisdomTree Investments Inc, CIMB Group Holdings Bhd, Eastspring Investments…