Trên 938.000 ca tử vong vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 257.953 ca mắc Covid-19, đưa tổng số ca bệnh lên gần 29,7 triệu người, trong đó có trên 938.000 ca tử vong. Điểm nóng Ấn Độ vượt ngưỡng 5 triệu ca nhiễm, trong khi số người tử vong tại Mỹ đã lên trên 200.000 ca.
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Damascus, Syria, ngày 13/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Damascus, Syria, ngày 13/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/9 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 29.696.911 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, bao gồm 938.060 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 21.514.653 người, 7.241.227 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 60.812 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (91.120 ca), Mỹ (34.031 ca) và Brazil (32.719 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.283 ca), tiếp theo là Mỹ (1.097 ca) và Brazil (1.002 ca).

Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Porto Alegre, Brazil ngày 8/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Porto Alegre, Brazil ngày 8/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 312.071 ca tử vong trong tổng số 8.330.243 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 222.016 ca tử vong trên 4.560.434 ca mắc bệnh. Châu Á có 117.436 ca tử vong trong số 6.648.236 ca mắc COVID-19; Trung Đông có hơn 40.400 ca tử vong; châu Phi có hơn 32.700 ca tử vong và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là 876 người.

Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 93 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 86 người) và Tây Ban Nha (64 người).

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện Santa Casa de Misericordia ở Porto Alegre, Brazil, ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện Santa Casa de Misericordia ở Porto Alegre, Brazil, ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ: Bang Connecticut phạt người không đeo khẩu trang từ 100 USD

Theo NBC News, Thống đốc bang Connecticut dự kiến hôm nay (theo giờ địa phương) sẽ ký sắc lệnh cho phép phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Theo đó, kể từ 0h ngày 17/9, người dân có thể bị phạt 100 USD cho mỗi lần bị phát hiện vi phạm quy định đeo khẩu trang.

Hiện tại có 34 bang ở Mỹ và Thủ đô Washington có quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng chỉ có một số ít tiểu bang áp dụng hình phạt. Một số thành phố như Simsbury đã áp dụng mức phạt tới 250 USD cho mỗi lần vi phạm đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Những người tổ chức các cuộc tụ tập trong nhà trên 25 người và trên 100 người ở ngoài trời sẽ bị phạt 500 USD,

Theo trang worldometers.info, tới 6h sáng 16/9, nước Mỹ ghi nhận 6.785.731 ca COVID-19, tăng 34.031 ca trong 24 giờ qua, trong đó có 200.097 ca tử vong, tăng thêm 1.097 ca.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 13/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 13/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Á: 17 nghị sĩ Ấn Độ mắc Covid-19

Tại tâm dịch châu Á, ít nhất 17 thành viên của Quốc hội Ấn Độ đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Tất cả đều là các hạ nghị sĩ, trong đó có 12 nghị sĩ của đảng Bharatiya Janata cầm quyền. Các nghị sĩ đã được xét nghiệm vào đầu tuần này, trước khi Quốc hội nhóm họp lại sau 6 tháng.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 91.120 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5.018.034 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 1.054 ca lên hơn 80.000 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hàn Quốc phát hiện ổ dịch mới

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc cùng ngày thông báo đã phát hiện ổ dịch COVID-19 mới tại một công ty cung cấp khẩu trang, qua đó làm dấy lên quan ngại về nguy cơ ổ dịch sẽ lan rộng. Hiện đã có 14 ca nhiễm liên quan doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu khẩu trang này.

Ngoài ra, số ca nhiễm liên quan các cơ sở tôn giáo tại Seoul vẫn tiếp tục tăng. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tổng cộng có 10 ca nhiễm liên quan ổ dịch tại nhà thờ ở Songpa. Chính quyền Seoul đã hối thúc tất cả các cơ sở tôn giáo tổ chức các sự kiện trực tuyến và tránh hội họp.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc ngày 18/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc ngày 18/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc phong toả một thành phố

Trung Quốc đã phong tỏa một thành phố Thụy Lệ (Ruili) thuộc tỉnh Vân Nam, giáp biên giới Myanmar, sau khi phát hiện một số ca mắc COVID-19 tại đây. Giới chức thành phố đã yêu cầu người dân ở trong nhà, cấm mọi hoạt động ra vào thành phố từ tối 14/9, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ các siêu thị, cửa hàng thuốc và chợ. Toàn bộ cư dân thành phố sẽ được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Trung Quốc đã kiểm soát được phần lớn dịch COVID-19 nhờ áp đặt một loạt biện pháp hạn chế đi lại, và phong tỏa chặt chẽ, bắt đầu từ thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây đã xuất hiện một số ổ dịch trong cộng đồng ở thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc hiện vẫn đóng cửa biên giới đối với nước ngoài và phần lớn số ca nhiễm trong những tháng gần đây là công dân Trung Quốc trở về từ nước ngoài.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại trường học ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 17/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại trường học ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 17/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) chiều 15/9 thông báo lần đầu tiên thành phố này ghi nhận không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ khi làn sóng dịch bệnh thứ 3 bùng phát hồi đầu tháng 7 vừa qua. Chính quyền đã công bố nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội như giờ mở cửa của các quán ăn sẽ được kéo dài đến nửa đêm; các quán bar, nhà hàng tổ chức tiệc, quán karaoke, hộp đêm, bể bơi, hai công viên giải trí lớn là Ocean Park và Hong Kong Disneyland sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 18/9. Tuy nhiên, quy định hạn chế tụ tập từ 4 người trở lên và đeo khẩu trang nơi công cộng vẫn tiếp tục được thực hiện.

Đông Nam Á: Philippines và Indonesia trên 3.500 ca mới/ngày

Philippines đã ghi nhận thêm 3.544 ca nhiễm và 34 ca tử vong trong ngày 15/9, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lần lượt ở mức 269.407 ca nhiễm và 4.663 ca tử vong. Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này đã ghi nhận thêm 3.507 ca nhiễm mới và 124 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên 225.030 ca và 8.965 ca tử vong do COVID-19.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 3/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 3/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Myanmar cũng đã xác nhận thêm 307 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3 vừa qua, nâng tổng số các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 3.502 người, trong đó có 35 trường hợp tử vong.

Nội các Thái Lan đã thông qua đề xuất cấp thị thực nhập cảnh dài ngày cho người nước ngoài đến nước này với điều kiện họ thực hiện cách ly 14 ngày và có thời gian lưu trú ít nhất 90 ngày và có thể được gia hạn hai lần với tổng thời gian 9 tháng. Chính sách mới này sẽ được thực hiện từ tháng tới và dự kiến mỗi tháng có 1.200 du khách sẽ được cấp thị thực loại này.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 3/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 3/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Australia: Bang Victoria không cos ca tử vong sau hơn 2 tháng

Tại châu Đại dương, ngày 15/9, giới chức Australia xác nhận lần đầu tiên sau hơn 2 tháng qua (kể từ ngày 13/7), bang Victoria của nước này không có trường hợp tử vong nào do COVID-19. Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, bang này có 42 ca nhiễm mới, tăng so với 35 ca ngày 14/9, song thấp hơn so với mức trung bình hằng ngày trong vòng 7 ngày gần đây nhất là 46,4. Số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày trong 14 ngày trở lại đây ở khu vực đô thị Melbourne là 52,9 người, và ở khu vực nông thôn bang Victoria là 3,6 người.

Jordan đóng cửa trường học nhà hàng

Tại Trung Đông, Chính phủ Jordan thông báo quyết định đóng cửa hầu hết trường học, nhà hàng, quán cafe và nhà thờ Hồi giáo trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 17/9 do số ca nhiễm gia tăng ở nước này. Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề truyền thông Amjad Adaileh cho biết các chợ nhỏ cũng sẽ bị đóng cửa trong khi chính phủ đã chuẩn bị cách thức mới cho hoạt động của các chợ lớn nhằm tránh tình trạng tụ tập quá đông người.

Pakistan: Học sinh trở lại lớp sau 6 tháng nghỉ học

Ngày 15/9, hàng triệu học sinh Pakistan đã trở lại lớp sau 6 tháng nghỉ học do dịch COVID-19. Các cơ sở giáo dục của Pakistan đã phải đóng cửa từ tháng 3 vừa qua, khi dịch bệnh lan rộng khiến nhiều kỳ thi phải hủy và lịch học bị đảo lộn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Shafqat Mahmood cũng cảnh báo trường nào không tuân thủ các biện pháp y tế phòng dịch, bao gồm đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội, sẽ phải đóng cửa.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lahore, Pakistan, ngày 12/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lahore, Pakistan, ngày 12/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Pakistan đã ghi nhận 302.424 ca nhiễm virus SARS-CoV- và hơn 6.300 ca tử vong, song số ca nhiễm mới hằng ngày đã giảm xuống sau khi đạt mức đỉnh gần 7.000 ca nhiễm và 118 ca tử vong/ngày hồi tháng 6. Ngày 14/9, nước này ghi nhận 404 ca nhiễm mới và 6 ca tử vong mới.

Châu Âu: Ca mắc mới tăng cao ở nhiều nước

Số các ca mắc bệnh cũng tiếp tục tăng cao tại nhiều quốc gia châu Âu, trong đó Hà Lan đã ghi nhận số bệnh nhân cao kỷ lục chỉ trong một ngày, với 1.379 trường hợp người nhiễm virus SARS-CoV-2. Gruzia cũng có thêm 170 trường hợp mới mắc bệnh, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 2.562 người. Trong khi đó, Anh ghi nhận tới hơn 3.105 người nhiễm mới trong 24 giờ qua, tăng so với con số 2.621 của 24 giờ trước đó.

Học sinh tham gia khóa học tại một trường học ở Milan, Italy ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Học sinh tham gia khóa học tại một trường học ở Milan, Italy ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên quan công tác bào chế vaccine, một quan chức thuộc Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc cho biết vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển sẽ sẵn sàng được sử dụng cho công chúng vào đầu tháng 11 tới. Trung Quốc hiện có 4 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Ít nhất 3 trong số đó đã được thử nghiệm đối với những người làm việc tại các ngành thiết yếu theo một chương trình khẩn cấp công bố tháng 7 vừa qua.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Montpellier, Pháp, ngày 3/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Montpellier, Pháp, ngày 3/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tin bài liên quan