Tranh chấp tên miền, lỗi không chỉ là thiếu tiền

Tranh chấp tên miền, lỗi không chỉ là thiếu tiền

(ĐTCK) Chậm chân trong đăng ký có thể đẩy doanh nghiệp vào thế phải chấp nhận bỏ ra số tiền không nhỏ mua lại tên miền, hoặc theo đuổi hành trình gian nan để đòi lại.

Trả giá lớn cho việc chậm chân

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện của Công ty Osram về việc thu hồi hai tên miền có liên quan tới thương hiệu này là Osram.com.vn và Osram.vn. Osram là một thương hiệu của Ðức, vào thị trường Việt Nam từ năm 1994, từ năm 1996 - 2002 đã đăng ký sở hữu trí tuệ đối với hàng trăm sản phẩm ở Việt Nam, chủ yếu về nhóm sản phẩm dịch vụ là thiết bị chiếu sáng.

Tuy vào thị trường Việt Nam được 25 năm, nhưng Osram không đăng ký tên miền quốc gia “.com.vn” và “.vn” và một cá nhân là ông Nguyễn Văn Tứ (Hà Nội) đã đăng ký các tên miền Osram.com.vn và Osram.vn để bán các sản phẩm tương tự.

Hội đồng xét xử đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Osram. Theo đó, ngoài việc yêu cầu cơ quan quản lý thu hồi hai tên miền trên, phía ông Tứ phải bồi thường số tiền 200 triệu đồng là chi phí thuê luật sư và 3 triệu đồng tiền lập vi bằng, công khai xin lỗi trên một số cơ quan truyền thông. 

Vụ việc trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tranh chấp tên miền ngày càng phổ biến ở trong nước cũng như quốc tế. Osram cũng may mắn hơn nhiều doanh nghiệp khi khởi kiện thành công việc yêu cầu hủy bỏ tên miền gây nhầm lẫn với thương hiệu của Công ty.

Hiện tượng một chủ thể nào đó dùng thương hiệu, nhãn hiệu của công ty khác đăng ký làm tên miền, sau đó tìm cách chào bán lại cho chủ sở hữu thương hiệu đó với giá cao hơn so với chi phí bỏ ra ban đầu hàng trăm, hàng nghìn lần thường được người ta gọi bằng nhiều cách khác nhau như “chôm” tên miền, chiếm dụng tên miền hoặc lạm dụng chính sách đăng ký tên miền. Các cách gọi này đều cùng có nguồn gốc từ thuật ngữ chung là cybersquatting.

Cybersquatting là nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp tên miền quốc tế (gTLDs) hoặc tên miền quốc gia (ccTLDs). Tập đoàn Internet cấp số và tên miền - ICANN định nghĩa cybersquatting nhìn chung là việc đăng ký có dụng ý xấu với nhãn hiệu của người khác trong tên miền của mình.

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cũng chỉ ra rằng, do tính đa dạng và cạnh tranh cao của môi trường thương mại, nhiều chủ thể kinh doanh đã tiến hành đăng ký trước những tên miền mà theo sự tính toán của họ, trong tương lai sẽ có chủ thể đăng ký. Khi có đối tượng cần đăng ký, chủ thể kinh doanh này sẽ bán lại để thu lợi. Hiện tượng này được gọi là “đầu cơ tên miền” (domain name speculation)”.

VNNIC còn cho rằng: “Có một dạng khác là các chủ thể kinh doanh đăng ký trước tên miền của các đối thủ cạnh tranh trên thương trường của mình nhằm gây khó khăn cho công việc kinh doanh và công tác tiếp thị của họ. Hiện tượng này thường được biết đến với tên gọi “chiếm dụng tên miền” (domain name cybersquatting).

Cybersquatting phổ biến trong chục năm trở lại đây, vì tên miền được coi là một ngành công nghiệp đầu tư ít mà lời thì siêu khủng. Ngay cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng cay đắng vì mất tên miền vào tay Cybersquatter. Chẳng hạn, tên miền “Viettel.com” được mua năm 1997 bởi một cá nhân người Mỹ và đến năm 2011 nó đã được rao bán với giá 1,5 triệu USD.

Trước khi vụ việc tranh chấp tên miền được đưa ra tòa, cái giá mà chủ thể đăng ký tên miền đòi Công ty Samsung phải bỏ ra để đổi lại quyền sở hữu hai tên miền quốc gia samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn là 218 triệu đồng. BKAV trong quá khứ từng phải “cắn răng” chi ra 2,3 tỷ đồng để mua tên miền “bkav.com” từ một công ty đầu tư của Mỹ do trước đó không lường tới khả năng vươn ra toàn cầu nên bỏ qua việc đăng ký tên miền quốc tế.

Gian nan hành trình đòi lại tên miền

Tên miền quốc gia “.vn” là đối tượng điều chỉnh của Luật Công nghệ thông tin năm 2006, nên mọi tranh chấp liên quan tới tên miền quốc gia “.vn” đều phải giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam. Luật Sở hữu trí tuệ nghiêm cấm thực hiện hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng, hoặc sử dụng tên miền quốc gia trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng, được sử dụng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Do đó, các bên liên quan có thể chọn một hoặc nhiều hơn một trong số bốn biện pháp giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia “.vn” như sau: Một là, thông qua thương lượng, hòa giải; Hai là, thông qua trọng tài; Ba là, khởi kiện tại tòa án; Bốn là, xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng biện pháp hành chính, kèm theo áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền theo Nghị định 99/2013/NÐ-CP.

Thương lượng và hòa giải có lẽ là hình thức kém khả thi nhất trong số bốn hình thức giải quyết tranh chấp tên miền nêu trên. Vì như đã nói ở trên, tranh chấp tên miền chủ yếu xuất phát từ hiện tượng cybersquatting, kéo theo hệ quả là chủ thể đăng ký tên miền thường yêu cầu chủ thương hiệu phải bỏ số tiền lớn hoặc rất lớn chuộc lại tên miền - điều kiện mà các chủ thương hiệu thường không chấp nhận, vì điều đó đồng nghĩa với việc cổ súy hoặc tiếp tay cho hành vi kiếm tiền bất chính.

Hình thức thông qua trọng tài nghe qua thì văn minh và gần giống như cơ chế UDRP (chính sách thống nhất giải quyết tranh chấp tên miền của ICANN), nhưng trên thực tế, theo quan sát của chúng tôi, hiệu quả của giải pháp này gần như bằng không. Nói cách khác là hầu như không thể giải quyết tranh chấp tên miền bằng biện pháp trọng tài vì 3 lý do sau:

Thứ nhất, chẳng có người nào đang ủ mưu kiếm tiền từ đòi tiền chuộc hàng ngàn hoặc thậm chí cả hàng triệu USD so với chi phí đăng ký và duy trì tên miền vốn chỉ khoảng trên 800.000 đồng/năm lại đồng ý ký thỏa thuận trọng tài với chủ thương hiệu.

Thứ hai, không có điều khoản mặc định về thiết lập thỏa thuận trọng tài tồn tại trong hợp đồng đăng ký tên miền giữa người đăng ký tên miền với nhà đăng ký tên miền quốc gia, dẫn đến hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài gần như vô nghĩa.

Thứ ba, khác biệt hẳn với cơ chế UDRP khi mà cho phép bên liên quan khởi kiện phán quyết của trọng tài liên quan đến việc từ chối, hủy bỏ, hoặc buộc chuyển giao tên miền tranh chấp ra tòa án có thẩm quyền, việc giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia “.vn” bằng trọng tài (ví dụ như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC) là chung thẩm theo khoản 5, Ðiều 4, Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Biện pháp khởi kiện cũng có nhiều hạn chế và khó khăn vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, đặc biệt là quá trình thụ lý và xét xử lâu, có khi mất cả năm trời hoặc vài năm, như vụ tranh chấp tên miền lafarge.com.vn. Vụ kiện thường phải trải qua hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm.

Tòa án rất do dự xét xử vắng mặt bị đơn (cố tình trốn tránh, hoặc khai man danh tính khi đăng ký tên miền), không có cơ chế đóng băng tên miền, nghĩa là cấm thay đổi thông tin tên miền hoặc chuyển nhượng tên miền dẫn đến vụ án có thể bị đình chỉ và phải nộp đơn khởi kiện lại.

Biện pháp xử lý hành chính kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền theo Nghị định 99/2013/NÐ-CP là biện pháp chính thức được vận hành kể từ sau ngày 25/7/2016, thời điểm Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BTTT-BKHCN có hiệu lực.

Biện pháp này cũng không phải dễ dàng thực thi được trên thực tế vì nhiều lý do như: chỉ áp dụng đối với tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và nội dung đăng tải trên trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

Như vậy, các dạng hành vi chiếm hữu thụ động hoặc chiếm hữu mà không sử dụng là không thể giải quyết được; không có cơ chế đóng băng tên miền nghĩa là cấm thay đổi thông tin tên miền hoặc chuyển nhượng tên miền, dẫn đến vụ việc có thể bị đình chỉ vì không còn đối tượng xâm phạm.

Cả bốn biện pháp xử lý tranh chấp trên phần nào đã bộc lộ nhược điểm khiến con đường giành lại tên miền quốc gia “.vn” có lẽ còn gian nan hơn cả đòi tên miền quốc tế.

Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (Uniform Domain-Name Dispute-Resolution Policy, viết tắt là UDRP) do ICANN và WIPO ban hành năm 1999. Theo UDRP, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể buộc nhà đăng ký tên miền hủy bỏ tên miền đã cấp hoặc buộc chuyển nhượng tên miền tranh chấp nếu chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chứng minh được tên miền tranh chấp cùng lúc thỏa mãn 3 điều kiện sau:

+ Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ của chủ thể quyền mà chủ thể có quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ đó.

+ Chủ thể đăng ký tên miền tranh chấp không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền tranh chấp đó.

+ Tên miền tranh chấp đã bị chủ thể đăng ký tên miền tranh chấp đăng ký và sử dụng với ý đồ xấu (không trung thực).

Tin bài liên quan