Phiên tòa diễn ra sau phiên phúc thẩm đầu tiên tạm hoãn do nguyên đơn xin hoãn phiên tòa, phiên phúc thẩm thứ hai không đi đến kết quả. Ngay mở đầu phiên tòa, Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP.HCM, ông Ngô Văn Dũng, cũng là chủ tọa phiên tòa đã hỏi hai bên (Thép Vạn Thành và GIC) có nhu cầu hòa giải hay không? Đại diện bị đơn, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA cho biết, phía GIC sẵn sàng hòa giải.
“Chúng tôi sẵn sàng hòa giải nếu nguyên đơn chấp nhận sự chia sẻ của bị đơn", ông Nguyên khẳng định.
Trước câu hỏi mức hỗ trợ là bao nhiêu từ phía tòa, ông Nguyên nói: “Chúng tôi vẫn bảo lưu mức hỗ trợ như trong thông báo với khách hàng trước đó là 98 triệu đồng. Mặc dù không thuộc phạm vi được bảo hiểm, nhưng phía GIC sẵn sàng chia sẻ tổn thất này nhằm hỗ trợ khách hàng”, ông Nguyên nói.
Trong khi đó, số tiền mà Thép Vạn Thành mong muốn được thanh toán từ GIC là 765,4 triệu đồng (theo Bản án sơ thẩm số 539/2017/KDTM-ST ngày 8/6/2017).
Trả lời câu hỏi của tòa, ông Phạm Mai Khánh, đại diện Thép Vạn Thành cho biết, ngay từ đầu, nguyên đơn đã rất thiện chí, mong nhận được hỗ trợ từ GIC, nhưng nếu hỗ trợ với số tiền nhỏ như thế thì Công ty không chấp nhận.
Một đại diện khác của GIC là luật sư Hoàng Sang bổ sung: “Theo quan điểm của GIC, việc xử lý tổn thất là có, nhưng không phải chi nhiều tiền. Gần 100 triệu đồng cũng phù hợp với số tiền mà phía khách hàng phải bỏ ra để xử lý tổn thất nhỏ kia”.
Trong suốt phiên xử, đại diện bị đơn vẫn nhất quán quan điểm cho rằng rỉ sét, hoen ố, mất màu hay biến đổi màu tự nhiên của kim loại do quá trình oxi hóa - khử đối với đối tượng được bảo hiểm là thép cuộn mạ kẽm là các biến cố chắc chắn, do đó, chúng không thể được bảo hiểm và đã được ghi rõ loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm.
Còn phía nguyên đơn thì vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng tổn thất này thuộc trách nhiệm bồi thường của nhà bảo hiểm, do hàng trước khi xuống tàu đều ở trạng thái nguyên vẹn, bình thường.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cho rằng, cần thêm thời gian để tìm hiểu thêm thông tin, vì hiện tại vẫn chưa tiếp cận được thông tin từ phía đơn vị giám định là CTCP Giám định Việt Đông Á (VDA) do đơn vị này thiếu thiện chí trong việc phối hợp giải quyết vụ việc.
Thẩm phán Ngô Văn Dũng cho rằng, tại các phiên tòa trước, bên giám định đều vắng mặt có lý do. Đến ngày 17/11 vừa qua để thu thập thêm chứng cứ, Tòa đã gửi công văn hỏi bên giám định một số nội dung liên quan, trong đó có hỏi: “Có bao nhiêu cuộn thép bị ẩm ướt, hoen ố do hiện tượng đổ mồ hôi, hấp hơi? Bao nhiêu cuộn bị rỉ sét?”, nhưng câu trả lời nhận được từ phía đơn vị giám định lại không trúng câu hỏi, còn chung chung.
Sau phần hội ý giữa các thẩm phán với đại diện Viện Kiểm sát, chủ tọa đã công bố dừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ. Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm vụ kiện giữa Thép Vạn Thành và GIC sẽ được mở lại vào ngày 5/12 tới.
Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới về vụ việc.
Diễn biến chính của vụ việc:
- Ngày 11/5/2015, 2 bên ký hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (sắt thép các loại) của Thép Vạn Thành từ cảng nước ngoài đến cảng TP.HCM, mở rộng vận chuyển về kho Công ty, số tiền bảo hiểm tối đa/chuyến là 3,5 triệu USD.
- Ngày 13/5/2015, GIC cấp giấy chứng nhận bảo hiểm lô hàng.
- Khi nhận hàng tại caảng Tân Thuận, TP.HCM, do hàng bị tổn thất, Thép Vạn Thành đã thông báo cho GIC để giám định tổn thất. GIC đã chỉ định Công ty cổ phần Giám định Việt Đông Á (VDA) giám định.
- Ngày 24/8/2015, Thép Vạn Thành gửi văn bản tới GIC về phương án xử lý hàng tổn thất.
- Ngày 15/9/2015, VDA phát hành chứng thư giám định kết luận tình trạng hàng hóa (cuộn thép) bị ẩm rướt, hoen ố như nêu trên là do hiện tượng đổ mồ hôi/hấp hơi trong quá trình vận chuyển từ cảng xếp hàng (Trung Quốc) đến cảng dỡ hàng (Tân Thuận, TP.HCM).
- Ngày 2/10/2015, Thép Vạn Thành gửi văn bản tới GIC, đưa ra phương án xử lý hàng tổn thất nhằm hạn chế tổn thất phát sinh thêm (như đã đề cập trong văn bản gửi ngày 24/8/2015).
- Ngày 13/10/2015, GIC gửi Thép Vạn Thành văn bản trả lời “…tổn thất của lô hàng không thuộc phạm vi bồi thường, do đó Thép Vạn Thành cần có phương án xử lý sớm cho lô hàng này”.
- Ngày 27/10/2015, Thép Vạn Thành đã ký Hợp đồng mua bán hàng hóa bị tổn thất trị giá 551,1 triệu đồng.
- Sau khi GIC nhận hồ sơ khiếu nại, 2 bên đã có nhiều văn bản trao đổi theo phương thức hòa giải nhưng không chốt được số tiền bồi thường nên Thép Vạn Thành khởi kiện GIC ra tòa.
- Tại phiên tòa xét sơ thẩm ngày 8/6/2017, phía nguyên đơn yêu cầu tòa án buộc GIC phải bồi thường cho Thép Vạn Thành số tiền 765,4 triệu đồng, trong đó có hơn 678 triệu đồng tiền gốc và 85,6 triệu đồng tiền lãi suất phát sinh do chậm trả theo lãi suất cơ bản của ngân hàng là 9%/năm (từ tháng 2/2016 cho đến ngày xét xử sơ thẩm).
- Sau đó, GIC đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.